CÔNG TÁC TUYỂN SINH Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã 15 tuổi. Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu, đứng đầu là GS. Trần Phương, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cùng với sự đóng góp công sức và lao động của các cổ đông, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên, trường đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng, được Đảng và Nhà nước ghi nhận; tên tuổi của trường ngày càng được xã hội biết đến. Kết quả này được minh chứng rõ nhất bằng việc không ngừng mở rộng quy mô đào tạo. Ngay từ khi mới thành lập (1996), trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã chủ trương tiến hành công tác tuyển sinh. Là một trường đại học dân lập, văn phòng, lớp học còn thuê mượn, mức học phí lại khá cao so với nhiều trường lúc đó, chủ trương của Ban Giám hiệu không xét tuyển, mà tổ chức tuyển sinh, là quyết định táo bạo, sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược. Táo bạo, vì việc tổ chức tuyển sinh là khá tốn kém, phải thuê nhiều địa điểm thi, có năm lên tới 12-14 điểm với trên 500 phòng thi; phải huy động trên 1.000 giảng viên, cán bộ, nhân viên của trường tham gia và nhờ thêm nhiều cán bộ, giảng viên của các trường đại học khác. Công tác tuyển sinh của trường trong suốt 15 năm qua chưa để xẩy ra những sai sót, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. Khóa đầu tiên, trường tuyển được 850 sinh viên đại học hệ chính quy. Phần lớn họ là thí sinh có hộ khẩu Hà Nội. Từ đó, cho đến năm học 2003-2004, trường vẫn cử cán bộ đến các tỉnh tuyên truyền, quảng bá và thu hút sinh viên cho trường. Số sinh viên khóa sau tăng hơn khóa trước, nhưng chưa ổn định: K1: 850, K2: 896, K3: 1071, K4: 1320 v K5: 1246. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt hoạt động của trường là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Để đạt được điều này, trường thiết kế chương trình đào tạo tiên tiến, độc đáo, phù hợp với yêu cầu của đất nước; thường xuyên tăng cường đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ và kinh nghiệm. Đồng thời, trường chủ trương đa dạng hóa ngành nghề và hình thức đào tạo cũng như tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật để đảm bảo chất lượng đào tạo. Chương trình đào tạo của trường được thiết kế bám sát thực tiễn Việt Nam có tham khảo các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt thời lượng dành cho hai môn học tiếng Anh và Tin học được bố trí cao hơn nhiều trường không chuyên ngữ và chuyên tin khác. Chương trình của trường có tác dụng giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, vì thế đã thu hút, hấp dẫn các bạn trẻ thi tuyển vào trường ngày càng nhiều. Năm học 1996-1997 trường mới có 16 giảng viên cơ hữu. Đến nay tổng số giảng viên quy đổi của tòan trường khoảng 700 người, trong đó giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 60,95%. Giảng viên cơ hữu chiếm 80% (565 người), đảm nhận trên 80% khối lượng giảng dạy và giảng viên thỉnh giảng chiếm 20% (135 người), đảm nhận gần 20% khối lượng giảng dạy. Nhiều giảng viên đang và đã từng lá các nhà sư phạm, các nhà khoa học và quản lý có tiếng của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các bộ, ngành và các doanh nghiệp, có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Không ít người trong số này đã giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý cao trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, trường đại học và doanh nghiệp. Đó là điều kiện tốt đối với giáo dục và đào tạo sinh viên không chỉ về chuyên môn, mà cả về phẩm chất, đạo đức và kinh nghiệm sống.
Đào tạo cao học của trường đã tuyển sinh được 6 khóa ngành Quản trị kinh doanh với 386 học viên nhập học. Năm nay (2011) Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường đào tạo hai ngành mới: Kinh tế, tài chính - Ngân hàng và Kế toán. Điều này thể hiện sự tin tưởng và triển vọng lớn về đào tạo sau đại học của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Như vậy, từ khi thành lập tới nay, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã và đang đào tạo 52.794 sinh viên và học viên thuộc 4 cấp đào tạo. Trong đó, đại học có 44.439 sinh viên, chiếm 86,6%; cao đẳng có 2.782 sinh viên, chiếm 5,4%; trung cấp chuyên nghiệp có 3.672 sinh viên, chiếm 7,2%; cao học có 386 học viên, chiếm 0,8%. Đó là những kết quả và nguyên nhân thành công của công tác tuyển sinh mở rộng quy mô đào tạo của trường. Những số liệu trên là món quà quý giá nhất chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội./. |
Trang Chủ > Bản Tin HUBT >