CƠ SỞ - SỐ 10 NGUYỄN TRƯỜNG TỘCƠ SỞ - SỐ 10 NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
đăng 04:37, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
[
đã cập nhật 04:38, 25 thg 3, 2013
]
Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu một trong những lá thư tâm
huyết của các bậc phụ huynh đáng kính gửi đến Ban giám hiệu nhà trường
trong tập kỷ yếu 15 năm xây dựng và phát triển Đại học Kinh doanh và
Công nghệ Hà Nội.
LỜI CÁM ƠN TỰ TRÁI TIM
Như tất cả những người làm cha, làm mẹ khác, vợ chồng tôi luôn mong
các con mình được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm và
thành đạt, hạnh phúc hơn mình. Chúng tôi dành toàn bộ tình cảm và vật
chất cho các con, hi vọng vào sự học tập và phấn đấu của chúng. Rồi đến
lúc con gái đầu của chúng tôi bước vào kỳ thi đại học, mang theo rất
nhiều kỳ vọng của gia đình, người thân và các thầy cô giáo từng dạy
cháu. Ai cũng chắc cháu sẽ đỗ, nhưng không may, lần ấy cháu thiếu hai
điểm để được vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Cháu rất buồn và vợ chồng tôi
cũng cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Vì cháu là con gái nên chúng tôi không
muốn để cháu ở nhà ôn thi năm nữa, cố tìm một trường NV2 thích hợp với
cháu. May rủi thế nào, có người trong họ khuyên cháu nộp hồ sơ vào Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. Bản thân chúng tôi lúc ấy cũng không
biết nhiều về trường này, hơn nữa, thật sự cũng chẳng mặn mà lắm, vì đây
là một trường dân lập.
Nếu như trước kia, chỉ cần tưởng tượng khi nhận được giấy báo nhập
học của cháu, gia đình tôi đã sung sướng, tự hào không thể diễn tả nổi;
thì bây giờ cầm giấy gọi nhập học của con, chúng tôi thấy băn khoăn vô
cùng: không biết có nên cho con đi học trường này không? Không chỉ lo về
học phí quá cao, mà điều quan trọng hơn, là tư tưởng mặc cảm với trường
dân lập.
Ở vùng nông thôn, như quê tôi, việc cho con đi học dân lập khá hiếm,
ít ai coi trọng và học xong, xin việc ngay tại địa phương cũng khó...
Nhiều bạn bè, người thân của gia đình cũng khuyên không nên cho cháu đi
học dân lập. Vợ tôi thì muốn cháu học sư phạm, nên bảo cho cháu ôn, sang
năm thi tiếp. Song có một số thầy, cô giáo của cháu lại bảo không phải
cứ trường công lập mới là tốt, học ở đâu không quan trọng, mà quan trọng
là học như thế nào, sau này ra trường làm gì. Thật trăm người, trăm ý.
Cuối cùng, tôn trọng quyết định của cháu, chúng tôi cho cháu vào Đại học
Quản lý và Kinh doanh Hà Nội.
Còn nhớ ngày đầu đưa cháu lên Hà Nội nhập học cái gì cũng lạ, cũng
mới. Phương tiện không có, lại chưa biết đường xá, vất vả lắm hai bố con
mới đến được trường. Làm thủ tục cho cháu xong, tôi vẫn rất hoang mang:
Không biết mình quyết định như thế có đúng hay không. Bởi trong lúc hỏi
đường đến trường, ai cũng bảo nào là học ở đấy thì tốn kém, nào là sinh
viên trường này ăn chơi, sành điệu, con nhà giàu,....Tất nhiên cũng có
một số người có ý kiến rất tích cực về trường.
Nhưng sau một thời gian cháu vào học, tôi hỏi thì biết cháu rất vui.
Cuộc sống tự lập đã làm con tôi trưởng thành hơn nhiều; nó đã nhanh
chóng thích nghi được với môi trường mới, nên gia đình cũng yên tâm hơn.
Cháu bảo ở trường có nhiều điều mới mẻ nên cháu học hỏi thêm được rất
nhiều. Cháu cũng nói cháu làm cán bộ lớp, mới vào trường được học tập
huấn về Đoàn, Hội.
Đặc biệt, tôi được nghe cháu kể Thầy Hiệu trưởng của trường từng là
một nhà lãnh đạo, một giáo sư về kinh tế có tiếng, sau mỗi lần được nghe
Thầy nói chuyện, hầu hết sinh viên đều phấn chấn, chăm chỉ học tập,
thêm tin vào ngành nghề đã chọn. Cháu còn kể rất nhiều về các Thầy Cô
giáo giảng dạy cháu ở trường, các thầy cô ở Phòng Công tác sinh viên và ở
Khoa tiếng Anh, nơi cháu đang theo học... Cháu bảo các Thầy Cô trong
trường rất tâm huyết với nghề và quý học trò. Thú thực, nghe cháu nói
thế, tôi mừng lắm. Thấm thoắt đã ba năm, con gái tôi giờ đang là sinh
viên năm thứ 3. Những lần về nhà, cháu thường say sưa kể chuyện về
trường lớp.
Hai năm rồi, năm nào cháu cũng được giấy khen sinh viên khá, được đi
tham quan, giao lưu với nhiều doanh nghiệp, trường học... Thực sự, tôi
cũng không tưởng tượng được là môi trường học tập ở một trường dân lập,
như Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, lại thú vị và có nhiều hoạt
động sôi nổi như thế!
Tuy nhiên, điều mà tôi quan tâm nhất vẫn là kết quả học tập và rèn
luyện của cháu. Thời gian gần đây, cháu nói là đang được các Thầy Cô và
Đoàn Thanh niên kèm cặp để phấn đấu kết nạp Đảng. Thấy con vui và được
quan tâm dạy bảo, gia đình cũng vui lây... Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày
thành lập Trường, tôi xin viết những dòng tâm sự này gửi tới Ban Giám
hiệu, các Thầy Cô giáo xem như một lời cảm ơn chân thành nhất của gia
đình tôi về sự dạy dỗ tận tình, sự quan tâm, giúp đỡ quý báu đối với con
chúng tôi trong những năm học tập và rèn luyện tại đây. Một năm nữa,
con gái tôi sẽ tốt nghiệp ra trường. Đến giờ, tôi không còn băn khoăn,
lo lắng, e ngại, khi có con học dân lập nữa. Trái lại, gia đình tôi luôn
hi vọng cháu sẽ có một tương lai tốt đẹp.
Lê Văn Sơn
Phụ huynh sinh viên Lê Thị Nga (Lớp 842) |
đăng 04:36, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
[
đã cập nhật 04:41, 25 thg 3, 2013
]
Ban biên tập xin giới thiệu tới độc giả bài viết "Hoạt động sinh viên" của tác giả Thanh Hằng (HUBT News).
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng đặt ra vấn đề: “Bất cứ một quốc gia
dân tộc và chế độ xã hội nào muốn tồn tại phát triển đều phải quan tâm
đến việc bồi dưỡng và phát huy thanh niên. Sự phát triển của thanh niên
không những quan hệ đến vận mệnh và tồn tại của đất nước, mà còn ảnh
hưởng đến tương lai của dân tộc. Vì vậy, thanh niên luôn là lực lượng
chiến lược của mỗi quốc gia, dân tộc”. Qua câu nói trên, ta có thể thấy
được vai trò quan trọng của các tổ chức thanh niên.
15 năm là quãng thời gian không phải quá dài nhưng cũng không phải
quá ngắn để trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát triển như
ngày hôm nay. Cũng theo suốt 15 năm đã qua, Đoàn thanh niên – Hội sinh
viên không ngừng phát triển và lớn mạnh, trở thành lực lượng đi đầu
trong mọi phong trào của trường.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
có Văn phòng tại phòng A219. Văn phòng Đoàn thực hiện việc tổ chức các
hoạt động, sự kiện cho sinh viên trong toàn trường và giao nhiệm vụ tới
các cán bộ lớp. Ngoài Đoàn thanh niên còn có Hội sinh viên. Tổ chức Hội
gồm có Đội Sinh viên tình nguyện (SVTN) và các câu lạc bộ (CLB). Đội
SVTN là lực lượng hết sức năng động, hàng ngày đều hoạt động xung quanh
khu vực trường, đặc biệt là vào những giờ cao điểm nhằm làm cho giao
thông được thông suốt, giảng viên và sinh viên có thể dễ dàng hơn trong
việc đi lại. Bên cạnh đó, đội SVTN cũng cùng các CLB tích cực tham gia
các hoạt động mang tính tập thể, góp phần thể hiện vai trò và vị trí của
Hội sinh viên. Ban chấp hành của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là nơi hội tụ của những
giáo viên, sinh viên ưu tú nhất, có tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đoàn
thanh niên và Hội sinh viên đều hoạt động hết sức hiệu quả. Thông qua
những hoạt động tập thể hay các buổi tập huấn cán bộ, năng lực cũng như
trách nhiệm của Đoàn viên, sinh viên lại càng được nâng lên. Định kỳ
hàng tháng, Đoàn trường tổ chức chiếu phim miễn phí hoặc sử dụng tiền vé
để quyên góp từ thiện tại hội trường B khu học tập Vĩnh Tuy và được các
bạn sinh viên hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Đặc biệt sinh viên trường
ta đã tham dự chương trình “Rung chuông vàng” và đạt được kết quả đáng
khích lệ, khẳng định mạnh mẽ tên tuổi của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trên địa bàn thủ đô cũng như khắp cả nước. Kinh doanh
cng
Tuổi trẻ - tuổi của những khát khao, hoài bão. Là thanh niên, ai cũng
có những niềm đam mê riêng. Để đáp ứng được những nguyện vọng đó, các
CLB trong trường được thành lập. Các CLB rất đa dạng, từ chuyên môn về
học thuật như CLB HUBT’s News - Báo chí và Truyền thông, CLB Khởi sự
doanh nghiệp, CLB Tiếng Anh L.E.F.Y, CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học,
CLB Tài chính kế toán, CLB Công nghệ thông tin,…đến chuyên môn về nghệ
thuật và thể thao như CLB Hiphop, CLB Guitar, CLB Cầu lông, CLB
Taewondo,… Có thể thấy được phong trào hoạt động mạnh mẽ của các câu lạc
bộ trong trường khi các CLB nằm rải đều trong mọi lĩnh vực. Đây cũng là
sân chơi lành mạnh và hết sức bổ ích cho toàn thể sinh viên giao lưu,
học hỏi, trao đổi kiến thức và niềm đam mê. Các CLB trong trường hoạt
động vô cùng sôi nổi với những đặc thù riêng nhưng cùng có một mục tiêu
chung là cùng nhau phát triển, cùng nhau tạo thành khối đoàn kết. Mỗi
năm, các CLB đều họp mặt nhau tại chương trình “Đêm hội” để các thành
viên gần gũi, gắn bó với nhau hơn.
Mỗi CLB chọn cho mình một hướng đi và có những thành công nhất định.
Nhiều câu lạc bộ đã gắn liền tên tuổi của mình với những chương trình
rất sôi động như HUBT’s News với Let’s rock HUBT 2010 – đêm hội tụ và
tỏa sáng của 5 band nhạc rock. CLB Tài chính kế toán cũng có một chương
trình tuyệt vời - ”Vòng quay tiền tệ” - nơi so tài của những nhà đầu tư
tương lai. Secret fashion show của CLB P.R đã gây ấn tượng với sinh viên
với những sắc màu lung linh, sự cuốn hút của các người mẫu nghiệp
dư,... Các CLB học thuật là nơi mà mỗi sinh viên luôn được chào đón để
trau dồi thêm kiến thức, khám phá chính bản thân mình, mở rộng tư duy.
Tham gia CLB mang lại cho chúng ta những sự năng động, tính sáng tạo, sự
logic và lòng nhiệt huyết – đều là những điều cần thiết.
Đương nhiên là chúng ta không thể quên những “nghệ sỹ” và “vận động
viên” của HUBT được. Các CLB Music, Guitar, Hiphop luôn là niềm cảm hứng
cho mỗi chương trình mà họ tham gia. Thể thao trường ta không phải là
mạnh so với trên địa bàn khu vực, nhưng các CLB của chúng ta cũng có
thành tích miễn chê mỗi lần thi đấu. Mới đây, CLB Bóng rổ đã giành giải 3
khi tham dự Giải bóng rổ đại học Nông nghiệp mở rộng, đó là một thành
tích không tồi chút nào. Miss HUBT 2010.
Khi tham gia các CLB nghệ thuật, tài năng của chính chúng ta được
phát triển để thành công, đôi khi là tỏa sáng rực rỡ. Tình yêu với nghệ
thuật là không giới hạn! Đến với thể thao, chúng ta không những được
nâng cao về mặt thể chất mà còn được rèn luyện nâng cao phẩm chất xứng
đáng với sức trẻ HUBT.
Không chỉ tích cực tham gia hoạt động thực, sinh viên trường ta còn
tích tham gia các diễn đàn mạng trong trường nhằm trao đổi thông tin và
giao lưu, gặp gỡ. Một số diễn đàn nổi bật nhất đó là forum.hubt.edu.vn,
congdonghubt.vn. Đây được xem là những kênh thông tin bổ ích dành không
chỉ về học tập mà còn về giải trí, cập nhật các thông tin trong, ngoài
trường. Dù mới đi vào hoạt động có hơn 3 năm nhưng forum.hubt.edu.vn đã
rất thành công khi thu hút được hàng nghìn người trong cũng như ngoài
trường tham gia. Thông qua những diễn đàn như thế này, ngoài việc có
nhiều tư liệu học tập, nghiên cứu, bạn còn được cung cấp thông tin về
trường, về Đoàn – Hội, các CLB, các hoạt động và bạn có thể đưa ra ý
kiến của mình nữa.
Trường ta đã đi qua 15 năm, ngôi trường nâng bước biết bao lứa sinh
viên. Để rồi hôm nay khi nhìn lại, HUBT đã đổi thay nhiều lắm. Song,
trong mắt nhiều thế hệ thì HUBT vẫn là nơi thân thương nâng bước chân họ
vào đời. Sinh viên HUBT là những sinh viên trẻ trung, năng động và
nhiệt huyết. Thời gian tới, tôi tin rằng sẽ còn nhiều chương trình và
hoạt động hơn nữa được diễn ra, vẫn là HUBT, nhưng những hoạt động này
sẽ được nâng lên một tầm cao mới, tốt hơn những gì chúng ta đã và đang
có. Mạnh mẽ hơn, vẻ vang hơn, tự hào hơn. |
đăng 04:35, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
[
đã cập nhật 04:43, 25 thg 3, 2013
]
Ban biên tập xin giới thiệu bài viết "Kawai - Niềm tự hào HUBT" của tác giả Thùy Dung (HUBT News).
Trải qua 15 năm, với biết bao thăng trầm, trường Đại học Quản lý và
Kinh doanh Hà Nội giờ đây đã mang một cái tên mới, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ngôi trường đã cùng đồng hành với 15 thế hệ
sinh viên và đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm.
Xuyên suốt 15 năm qua là những nỗ lực không ngừng của cả thầy và trò
trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Sự nỗ lực ấy không chỉ
dừng lại trong việc học tập, sát sao chuyên cần trong những tiết học. Nó
thể hiện rõ nét trong tất cả những hoạt động ngoại khóa, những ý tưởng
kinh doanh mới mẻ của những bộ óc luôn tràn ngập sáng tạo. Thêm vào đó
là những nghiên cứu khoa học của đông đảo những sinh viên luôn muốn tìm
tòi, khám phá.
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với những thiết bị bổ
trợ hữu ích, đi kèm là một chuỗi cơ sở vật chất hiện đại, điều này đã
giúp các sinh viên một phần không hề nhỏ để học tập, nghiên cứu tốt hơn,
đạt được thành tích cao, học bổng Kawai. Chúng ta có thể cùng điểm qua
rất nhiều những gương mặt sáng giá, những giải thưởng Kawai nổi bật.
Nhưng nhiều người cũng như tân sinh viên của trường sẽ tự hỏi: “Học
bổng Kawai là gì?”, “Giải thưởng ấy như thế nào?”, “Tại sao lại là giải
thưởng Kawai?”,...
Rất rất nhiều những câu hỏi được đặt ra như thế! Vậy thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về Học bổng Kawai nhé!
Nguồn gốc của giải thưởng này là do Chủ tịch tập đoàn GE của Nhật Bản
– Ngài Mitsumasa Kawai sau một lần sang thăm trường đã nhận thấy một
môi trường kinh doanh đầy tiềm năng, với những giáo trình giảng dạy về
kinh doanh hợp lý. Ngài Kawai đã đồng ý mỗi năm tài trợ 1.000.000 Yên
Nhật tương đương với khoảng 135.000.000 VNĐ cho những sinh viên có ý chí
lập nghiệp và đạt kết quả học tập tốt. Giải thưởng Kawai có 3 loại:
- Kawai Kinh doanh: Đạt 7,5 điểm tổng kết tất cả các môn và có những ý
tưởng kinh doanh mới mẻ, có thể áp dụng vào thực tiễn, thành viên có
thể là một người hoặc một nhóm.
- Kawai Học tập: Đạt 8,5 tổng kết tất cả các môn, hạnh kiểm tốt đối
với các cán bộ lớp . Và từ 9,0 trở lên đối với sinh viên bình thường.
- Kawai Nghiên cứu khoa học: Cũng có thể là một người hoặc một nhóm
cùng nghiên cứu một sản phẩm khoa học , mới mẻ và áp dụng được vào thực
tế.
Mới gần đây thôi, Giải thưởng Kawai Kinh doanh lần thứ XVIII đã trao
cho rất nhiều SV ưu tú, tiêu biểu đó là SV Nguyễn Ngọc Việt – Lớp IT.01 –
Kawai Hạng Nhất và hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Anh Việt Chung,
số vốn ban đầu lên đến cả tỉ đồng.
Xa hơn một chút, Kawai Kinh doanh lần thứ XVII, cô sinh viên Lê Hồng
Nhung – Lớp TC.13-06 – Kawai Kinh doanh Hạng Nhất và hiện đang là Chủ
tich HÐQT, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Composite và Công Nghệ Ánh
Dương và Lê Minh Trang – Lớp TC.13-16 – Hạng Nhì, là trong những cổ đông
sáng lập Công ty Thuốc lá Sóc Sơn.
Những giải thưởng kinh doanh đã phần nào đánh giá được sự nghiêm túc
trong những ý tưởng, cố gắng hết mình với những ý tưởng ấy. Không chỉ
dừng lại ở đó, giải thưởng Kawai Học tập cũng đã trao giải cho những
sinh viên có thành tích học tập vượt bậc, những cán bộ lớp gương mẫu,
kết quả học tập của họ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và thán
phục.
Hoàng Đức Duy – Lớp TC.14-19 – Hạng Tư , tổng kết tất cả các môn lên
tới 9,08. Đây là con số tổng kết cao nhất của K14. Điều này đã thể hiện
rất rõ khả năng của Duy, không chỉ đạt thành tích cao, Duy còn tham gia
rất nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa của trường và lớp. Và cũng có
thành tích ngang ngửa như thế là sinh viên Trần Duy Tân – Lớp QL.13-07,
đạt danh hiệu “Sinh viên xuất sắc“ với số điểm tổng kết 9,04. Đặc biệt
có sự góp mặt của Đại biểu K15, lớp trưởng Nguyễn Bình Giang – Lớp
QL.15-06 với số điểm tổng kết 8,97, kết quả cao nhất trong tất cả các
lớp trưởng K15. Điều đương nhiên khi Duy, Giang và Tân trở thành tấm
gương cho đông đảo các bạn sinh viên không ngừng cố gắng hơn nữa.
Cuối cùng, chúng ta không thể không nhắc đến Giải thưởng Kawai Nghiên
cứu Khoa học – một giải thưởng rất được các sinh viên ủng hộ. Một dự án
khá tiêu biểu là “Gà đồi An Thịnh“ cuà SV Nguyễn Quốc Huy – Lớp
QL.12-11, đạt Hạng Nhất của Giải thưởng Kawai Nghiên cứu khoa học lần
thứ XVII. Tên của Huy đã không còn xa lạ với các bạn sinh viên trong
trường, bởi lẽ không chỉ đạt thành tích 8,32 điểm tổng kết 4 năm học,
anh còn là một sinh viên ưu tú về mọi mặt và đạt giải Ba Giải thưởng
SV NCKH của Bộ và được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT .
Với tất cả, tất cả những thành quả đó, những cố gắng của toàn thể
sinh viên và giáo viên, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã
dần trưởng thành, tạo những bước chuyển mình ngoạn mục. Giải thưởng
Kawai thực sự là niềm tự hào của chúng ta. Kawai ươm mầm, biến những ý
tưởng, những khát khao thành hiện thực, điều đó là một thành công rất
lớn vì đã không để những bộ óc tuyệt vời bị tê liệt, không để những phát
minh, những sáng kiến bị vùi chôn hay vứt chúng vào sọt rác. Ở đây, tất
cả chúng ta được thỏa sức sáng tạo, học tập và rèn luyện kỹ năng một
cách tốt nhất về mọi mặt. Những điều đó đã góp phần tạo nên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội của ngày hôm nay!!!. |
đăng 04:33, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
[
đã cập nhật 04:45, 25 thg 3, 2013
]
Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. TS. Đặng Văn Thanh - Chủ nhiệm Khoa Kế toán về đổi mới chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo Kế toán và Kiểm toán.
Có một thực tế
Trong tổng số hơn 410 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam (tính đến
2011), hiện giờ trăm trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề ở khắp
các địa phương trong hơn 300 trường có đào tạo chuyên ngành kế toán và
kiểm toán. Đó là chưa tính tới hàng cả nước. Các trường kinh tế có
chuyên ngành đào tạo kế toán và kiểm toán đã đành, không ít trường không
dính dáng đến kinh tế, chỉ là kỹ thuật hoặc khoa học cơ bản, cũng tham
gia đào tạo kế toán và kiểm toán. Hình như các trường tư thục và dân lập
đào tạo đa ngành đều có chuyên ngành kế toán. Nhiều trường kinh tế đào
tạo chuyên ngành kế toán và kiểm toán với đủ mọi hệ đào tạo và cấp bậc
đào tạo, từ trung cấp, cao đẳng, liên thông đại học, đại học chính quy,
cao học (thạc sĩ và tiến sĩ) với đủ các hệ chính quy, tại chức, đào tạo
từ xa. Mỗi năm có cả vạn sinh viên, học sinh chuyên ngành kế toán, kiểm
toán ra trường. Đó là chưa kể tới hàng trăm lớp dạy nghề kế toán và kiểm
toán do các trường lớp, các trung tâm, các doanh nghiệp tổ chức dưới
mọi hình thức. Chuyên ngành kế toán và kiểm toán vẫn là chuyên ngành hấp
dẫn, thu hút nhiều thí sinh dự thi hàng năm. Có trường kinh tế, số sinh
viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán chiếm trên dưới một nửa tổng số
sinh viên. Ở nhiều trường đại học, điểm trúng tuyển vào chuyên ngành kế
toán, kiểm toán vẫn cao nhất nhì so với các chuyên ngành khác. Có
trường, số sinh viên trúng tuyển chỉ bằng 1/20, 1/30 thí sinh dự thi.
Ngay ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, số sinh viên theo
học chuyên ngành kế toán và kiểm toán chiếm xấp xỉ 1/2 số sinh viên của
trường.
Điều đó thể hiện nhu cầu về kế toán, kiểm toán của xã hội còn rất lớn
và đây cũng là một nghề “hot”, được giới trẻ quan tâm. Điều đó cũng
hoàn toàn thực tế trong một nền kinh tế đang phát triển. Đến nay chưa
thống kê đầy đủ về số người đang làm nghề kế toán ở Việt Nam. Nhưng với
phép tính nhỏ: mỗi doanh nghiệp có 1 - 2 người làm kế toán, mỗi đơn vị
hành chính sự nghiệp, mỗi cấp chính quyền có 1 người làm kế toán, thì
với gần 500.000 doanh nghiệp, với hàng vạn tổ chức, đơn vị hành chính sự
nghiệp, các cấp chính quyền, các cấp ngân sách từ trung ương đến địa
phương của 63 tỉnh, thành, hơn 600 quận, huyện, 13 nghìn xã, phường, thì
đã có chắc chắn không dưới 2 triệu người đang làm nghề kế toán, kiểm
toán. Chỉ cần mỗi năm tăng, giảm 5 - 10%, thì đã phải đào tạo mới cả vạn
người làm kế toán, kiểm toán.
Rõ ràng nhu cầu về người làm kế toán, về đào tạo người làm kế toán là
rất lớn, thường xuyên, liên tục và ngày càng đòi hỏi chất lượng cao
hơn.
Yêu cầu mới đối với nghề và đối với người làm kế toán, kiểm toán
Về bản chất, kế toán là công cụ quản lý kinh - tế tài chính hữu ích
của các nhà quản lý, chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp. Trong kinh tế thị
trường, kế toán có chức năng đảm bảo và tổ chức hệ thông tin kinh tế -
tài chính tin cậy phục vụ các quyết định kinh tế - tài chính, thỏa mãn
yêu cầu quản trị kinh doanh. Cùng với sự phát triển của đất nước, của
nền kinh tế, cùng với sự đổi mới kinh tế - tài chính, hoạt động kế toán,
kiểm toán của Việt Nam ngày càng được đổi mới, tiếp cận và hoà nhập với
các nguyên tắc, thông lệ, chuẩn mực phổ biến trên thế giới.
Trước yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi và trong tiến trình tham gia
hội nhập kinh tế quốc tế, kế toán không thuần túy là công cụ quản lý,
là việc ghi chép, xử lý thông tin, mà đã phát triển và trở thành một
ngành, một loại hình dịch vụ, thương mại dịch vụ. Hoạt động dịch vụ kế
toán, kiểm toán Việt Nam được phát triển cùng với việc tiếp tục tạo lập
hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, tăng cường hoạt động các tổ chức nghề
nghiệp. Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu
hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở
rộng giao lưu nghề nghiệp. Trong kinh tế thị trường, nhà nước quản lý và
điều hành kinh tế bằng luật pháp. Nhà nước không phân biệt đối xử. Các
nhà đầu tư, doanh nghiệp bình đẳng, được làm những gì luật pháp không
cấm. Các chủ thể kinh tế được tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng,
lành mạnh. Doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự quyết định.
Doanh nghiệp được sử dung các dịch vụ tài chính, trong đó có dịch vụ tư
vấn, quản trị, thuế, hải quan, kế toán, kiểm toán,..
Hơn nữa, thời đại ngày nay là thời đại của khoa học kỹ thuật, đặc
biệt là công nghề thông tin đang phát triển như vũ bão, hỗ trợ quan
trọng và đắc lực cho quản trị kinh doanh. Kế toán là ngành và lĩnh vực
sớm tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ thay thế phần
lớn công việc mang tính nghiệp vụ của những người làm kế toán và kiểm
toán. Điều đó ảnh hưởng đáng kể tới tính chất công việc kế toán, đặc
biệt là nội dung và cách thức đào tạo về kế toán.
Yêu cầu mới đối với nghề kế toán
Trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, các nhà kế toán cũng phải đáp ứng những yêu cầu mới:
- Tính chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội của kế toán, kiểm toán.
Người làm nghề kế toán, kiểm toán phải là những chuyên gia tài chính, có
thể hành nghề độc lập và cung cấp các dịch vụ tài chính, kế toán và
kiểm toán.
-Về năng lực chuyên môn: có hiểu biết về kinh tế - tài chính, kỹ năng
tổ chức và xử lý thông tin tài chính, kiểm tra và đánh giá thông tin,
đưa ra các ý kiến nhận xét, tư vấn về tài chính cho các nhà quản lý; có
trình độ tổ chức hoạt động tài chính, kế toán, điều hành công việc tài
chính, kế toán.
- Về đạo đức nghề nghiệp: là nghề nghiệp gắn liền con số, có quan hệ
chặt chẽ với các quyết định kinh tế - tài chính, vì vậy đòi hỏi cao về
tính trung thực, khách quan, bản lĩnh nghề nghiệp. Đây cũng là đạo đức
nghề nghiệp của những người làm nghề kế toán và kiểm toán.
Trong lộ trình hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế, hệ thống kế
toán Việt Nam đã và đang cải cách một cách căn bản, toàn diện, được xây
dựng trên cơ sở tiếp cận và hoà nhập có chọn lọc với những nguyên tắc,
thông lệ phổ biến của quốc tế về kế toán. Cùng với quá trình tạo dựng
khuôn khổ pháp lý và ban hành các hệ thống kế toán và kiểm toán, việc
đào tạo bồi dưỡng những người làm kế toán và kiểm toán cũng cần được đổi
mới rất căn bản.
Việt Nam đã phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán với mục tiêu:
thiết lập và phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán của Việt Nam trong
một khuôn khổ pháp lý và trình độ nghiệp vụ chuyên môn đạt được phù hợp
với tiến trình đổi mới của đất nước, tiếp cận và hoà nhập với các nước
trên thế giới và trong khu vực; từng bước tạo cơ sở pháp lý cho việc
công nhận của quốc tế đối với hệ thống kế toán Việt Nam.
Từ năm 1996 đã tiến hành nghiên cứu và phổ biến rộng rãi các chuẩn
mực quốc tế về kế toán (IAS), chuẩn mực quốc tế về kiểm toán, lựa chọn
các chuẩn mực có khả năng áp dụng tại Việt Nam và xúc tiến việc soạn
thảo và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán việt Nam (VAS), chuẩn mực
kiểm toán Việt Nam.
Hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam không ngừng được cải
thiện về chất lượng dịch vụ và đã khẳng định được vị trí trong nền kinh
tế quốc dân. Các công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán đóng vai trò quan
trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp
về luật pháp, chế độ, thể chế tài chính, kế toán của nhà nước, cũng như
việc lập, ghi sổ kế toán, tính thuế, lập báo cáo tài chính.
Nhằm đáp ứng giữa nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm
toán và tư vấn tài chính, kế toán, thuế của nền kinh tế Việt Nam trong
từng giai đoạn, định hướng phát triển của ngành dịch vụ này trong thời
gian tới là phải tiếp tục củng cố và tăng cường phát triển cả về số
lượng và chất lượng hoạt động; đồng thời từng bước tham gia tiến trình
mở cửa và hội nhập với hoạt động nghề nghiệp của các nước trong khu vực
và thế giới. Cần hướng tới mục tiêu công nhận quốc tế về hệ thống kế
toán và kiểm toán Việt Nam, tạo dựng đầy đủ khuôn khổ pháp lý cho hoạt
động dịch vụ kế toán, kiểm toán; tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển
thêm số lượng và tăng cường chất lượng dịch vụ của các tổ chức dịch vụ
và tổ chức nghề nghiệp hiện có ở Việt Nam. Theo các cam kết quốc tế,
Việt Nam sẽ từng bước mở cửa lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tư vấn tài
chính với mục tiêu mở cửa rộng rãi vào năm 2020.
Kế toán, kiểm toán - nghề dịch vụ cao cấp
Thực tế những năm qua cho thấy, dịch vụ kế toán, kiểm toán đang chất
chứa tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá
trình chuyển đổi mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Việt Nam đã có hơn 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động, trong đó có nhiều
cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ. Các công ty sẽ không
cần thiết phải tuyển dụng nhân viên kế toán hoặc kế toán trưởng. Thuê
dịch vụ kế toán, thuê kế toán trưởng sẽ là giải pháp tối ưu trong việc
tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động kế toán,
tài chính. Với tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm tới 97% tổng
số cơ sở sản xuất kinh doanh trên cả nước và chiếm tới 96% số doanh
nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đủ thấy tiềm năng cực
kỳ phát triển của dịch vụ kế toán trong tương lai gần.
Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo kế toán, kiểm toán - một nhiệm vụ cấp bách
Từ yêu cầu và thực tế trên, để có những chuyên gia kế toán và kiểm
toán được đào tạo ở bậc đại học, đòi hỏi phải đổi mới căn bản chương
trình, nội dung và phương thức đào tạo kế toán và kiểm toán.
Về chương trình đào tạo, cần đa dạng hơn, linh hoạt hơn cho các chuyên ngành kế toán và kiểm toán.
Nội dung đào tạo cần phong phú về kiến thức, vừa đảm bảo những kiến
thức lý thuyết rất cơ bản, có tính nguyên lý, đạo lý và khoa học, vừa có
tính thực tiễn. Khoa học kế toán có tính độc lập và khá hoàn chỉnh cả
về nội dung và phương pháp luận, nhưng dựa trên nền tảng của khoa học
quản lý và lý thuyết tài chính, Vì vậy, nội dung đào tạo không chỉ bao
hàm những kiến thức mang tính nguyên lý, nguyên tắc của kế toán, kiểm
toán, không chỉ kỹ năng về phương pháp kế toán, kiểm toán, mà rất cần
những kiến thức về lý thuyết kinh tế, quản lý kinh tế và tài chính...
Kiến thức về kế toán và kiểm toán không chỉ dừng lại ở phương pháp kế
toán, kiểm toán, phương pháp xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin kinh
tế - tài chính, mà quan trọng hơn là kỹ năng tổ chức thu thập, đánh giá
thông tin, kỹ năng sử dụng thông tin do kế toán xử lý và cung cấp, do
kiểm toán đã kiểm tra đánh giá và xác nhận. Con số của kế toán phải là
con số biết nói, con số phản ảnh thực trạng kinh doanh, thực trạng tài
chính của tổ chức, doanh nghiệp. Cần phải cung cấp cho người học kỹ năng
nhìn nhận, đánh giá và phân tích thông tin do kế toán và kiểm toán cung
cấp.
Phương thức đạo tạo cũng cần thay đổi căn bản, hạn chế cách đào tạo
truyền thống, năng về lý thuyết, xa rời thực tế, dẫn đến sinh viên ra
trường chậm làm quen với công việc. Không ít trường hợp phải đào tạo
thêm, đào tạo lại ngay trong quá trình làm việc. Chấm dứt cách giảng dạy
thụ động, người học buộc phải coi các chế độ kế toán do nhà nước quy
định là kiến thức kế toán chuẩn. Cần phải tạo cho người học hiểu và phát
triển lý luận mang tính bản chất của kế toán và kiểm toán. Chế độ kế
toán hay các quy định kế toán, kiểm toán của nhà nước trong từng thời
kỳ, trong từng cơ chế quản lý chỉ là sự hiện thân, sự minh chứng cho
những nguyên lý mang tính bản chất của kế toán. Hãy chọn phương pháp
giảng dạy và phương pháp học tích cực đối với môn học kế toán và kiểm
toán. Tăng cường các bài tập tình huống, các trao đổi hai chiều giữa
người dạy và người học. Thành lập phòng kế toán ảo ngay trong trường,
tạo cơ hội để người học sớm tiếp cận các hoạt động thực tế, các yếu tố,
các công việc, các phương pháp, các giấy tờ, chứng tử, sổ kế toán và mẫu
biểu thuộc các phần hành kế toán, kiểm toán.
Đây là nội dung quan trọng có tính quyết định chất lượng đào tạo. Vì
vậy, đối với giảng viên, cũng cần có những hiểu biết thực tế. Trong quá
trình đào tạo nên có sự kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết với những báo
cáo thực tế của các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân, các nhà kế toán,
kế toán trưởng, đưa hơi thở của cuộc sống thực tế, của nghề nghiệp vào
quá trình đào tạo.
Khả năng và hiện thực
Chuyên ngành kế toán được hình thành ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngay từ năm đầu thành lập với tư cách là một chuyên
ngành đào tạo trong Khoa Quản trị kinh doanh và sau đó là Khoa Tài chính
- Kế toán. Từ năm học 2007-2008, chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán đã
được tách ra, độc lập và Khoa Kế toán được thành lập. Những năm qua, với
8 môn học Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Kế toán công, Kiểm toán
và Phân tích tài chính, hơn 10 giảng viên cơ hữu và hơn 10 giảng viên
thỉnh giảng đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân kế toán cho đất nước.
Là một chuyên ngành, một ngành học lớn của trường, để đổi mới chương
trình, nội dung giảng dạy, nâng cao chất lương đào tạo, sẽ có rất nhiều
vấn đề phải suy nghĩ, phải trăn trở, từ nhận thức, quan điểm, cách làm
để đổi mới căn bản hoạt động đào tạo chuyên ngành kế toán và kiểm toán. Ý
thức được những đòi hỏi của thực tế và xu hướng phát triển tất yếu của
quy mô, chất lượng đào tạo, ba năm qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà
trường, được sự chỉ đạo và khích lệ của Giáo sư Hiệu trưởng, sự hợp tác
và hỗ viên trợ của các phòng ban chức năng, các khoa chuyên ngành khác,
tập thể cán bộ giáo Khoa Kế toán đã tập trung xây dựng chương trình 19
môn học kế toán, kiểm toán và phân tích tài chính, trong đó có 8 môn học
bắt buộc, 10 môn học tự chọn theo phương thức đào tạo tín chỉ. Có không
ít môn học mới, hàm chứa những chủ đề và kiến thức mới có trong chương
trình đào tạo của rất ít trường đại học, nhưng lại rất cần cho hành nghề
và hoạt động nghề nghiệp của những người làm nghề kế toán và kiểm toán,
như các môn học Kế toán tập đoàn kinh tế, Kế toán doanh nghiệp vừa và
nhỏ, Hành nghề kế toán, hành nghề kiểm toán, Pháp luật về kế toán... Ý
thức được vị trí, tầm quan trọng của chương trình môn học và giáo trình
môn học trong chất lượng đào tạo và uy tín, vị thế của một trường, một
ngành đào tạo, trên cơ sở chương trình môn học đã được phê duyệt, giảng
viên của Khoa đã và đang khẩn trương tổ chức biên soạn bài giảng, giáo
trình để lưu hành chính thức, phục vụ giảng dạy và học tập. Đây sẽ là
thành tựu lớn của Khoa trên bước đường phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống
bài tập, đề thi học phần cũng đã được rà soát, biện soạn bổ sung, biên
soạn mới với chất lượng và độ tin cậy cao hơn; hàng nghìn câu hỏi đã
được biên soạn và lưu hành, đảm bảo đúng quy định của nhà trường; có ít
nhất 5 câu hỏi cho một tiết giảng. Để công cuộc đổi mới thành công, lực
lượng giảng viên của Khoa đã được tăng cường cả ba thế hệ: đội ngũ giảng
viên đã có thâm niên giảng dạy vài chục năm, giảng viên đang độ chín và
sung sức, giảng viên mới vào nghề. Đến nay, Khoa đã có 30 giảng viên cơ
hữu, 25 giảng viên thỉnh giảng. Trong 30 giảng viên cơ hữu có 3 giáo sư
và phó giáo sư. 7 tiến sĩ, 8 thạc sĩ và gần 10 giảng viên đang làm
nghiên cứu sinh, học cao học. Đây là đội ngũ giảng viên của một khoa với
năng lực, trí tuệ và học hàm, học vị đủ sức làm tròn sứ mạng đào tào kế
toán, kiểm toán hiện tại và tương lai của trường. Chắc chắn các nhà
giáo, các nhà quản lý của Khoa sẽ làm được, làm tốt công cuộc đổi mới để
nâng cao chất lượng đào tạo kế toán và kiểm toán xứng tầm cùng các
trường đại học trong cả nước. |
đăng 04:32, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS - TSKH.
Phạm Sỹ Tiến - Chủ nhiệm Khoa Cơ - Điện tử về quá trình hình thành, xây
dựng và phát triển khoa trong 15 năm qua.
1. Giới thiệu sơ lược về ngành Cơ điện tử và ngành Điện-Điện tử
Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội thành lập năm
1996. Năm 2006 trường đổi tên thành Trường Đại học Kinh doanh và Công
nghệ Hà Nội cùng với sự ra đời của Khoa Cơ-Điện và sau đó là các khoa
Xây dựng, Kiến trúc. Được GS. Hiệu trưởng Trần Phương và Ban Giám hiệu
quan tâm, tạo điều kiện phát triển, nên tuy mới có 5 năm đào tạo, các
ngành Cơ điện tử và Điện-Điện tử đã góp phần làm cho trường mang một sắc
thái mới, trở thành trường đại học đa ngành, không chỉ còn đào tạo về
quản lý, kinh doanh, kinh tế, đáp ứng nhu cầu của đất nước đang tiến
hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong chiến lược phát triển khoa học-công nghệ của nước ta, Cơ điện
tử, Điện tử, Tự động hóa được xếp vào nhóm ngành ưu tiên phát triển. Từ
Khoa Cơ-Điện, đã tách thành hai khoa: Cơ-Điện tử và Điện-Điện tử. Tuy là
các ngành công nghệ cao, nhưng Cơ điện tử và Điện-Điện tử lại gần gũi
với đời sống xã hội, thích hợp với những sinh viên có tư duy khoa học,
kỹ thuật và có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Điện-Điện tử là lĩnh vực đã phát triển khá lâu, nhưng trong thời đại
công nghệ cao, với sự xuất nhiều loại vật liệu mới, vật liệu nanô, thì
thành tựu khoa học trong lĩnh vực Điện-Điện tử càng nở rộ, việc đào tạo
kỹ sư Điện-Điện tử ngày càng trở nên quan trọng và thu hút nhiều sinh
viên.
Cơ điện tử (Mechatronics) là một lĩnh vực khoa học công nghệ mang
tính liên ngành giữa Cơ khí, Tin học, Điện tử và Tự động hoá, có phổ
nghiên cứu và ứng dụng rất rộng. Việc đào tạo về Cơ điện tử mới bắt đầu
từ những năm 90 của thế kỷ XX trong một số trường đại học ở CHLB Đức và
Cộng hòa Áo, sau đó ở Nhật Bản, Hoa kỳ, Trung Quốc, LB Nga... Cơ điện tử
được Tạp chí “Technology Review” của Viện Công nghệ Masachussets (MIT)
Hoa Kỳ đánh giá là một trong 10 ngành công nghệ có triển vọng làm thay
đổi thế giới trong thế kỷ XXI. Nhiều người còn cho rằng, Cơ điện tử là
“cơ hội vàng” cho những nước chậm phát triển vươn lên.
Ở Việt Nam, từ một vài năm cuối của thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, Cơ
điện tử bắt đầu được đào tạo ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường
Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau đó một
vài năm, Cơ điện tử được đào đạo ở nhiều trường đại học công lập và dân
lập, tư thục ở cả miền Bắc và miền Nam, trong đó có Trường Đại học Kinh
doanh và Công nghệ Hà Nội.
2. Đào tạo Cơ điện tử và Điện-Điện tử ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ
Từ khi được thành lập ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà
Nội, ngành Cơ điện tử tập trung trang bị cho sinh viên kiến thức các
chuyên ngành: Cơ điện tử trong sản xuất (các hệ thống sản xuất tự động,
máy CNC, Robot), Cơ điện tử trong kỹ thuật ô tô, Tự động hóa trong Cơ
khí chế tạo máy; còn ngành Điện-Điện tử trang bị kiến thức các chuyên
ngành thuộc lĩnh vực điện và điện tử phục vụ sản xuất và cuộc sống hàng
ngày, như Điện tử công nghiệp và dân dụng, Tự động hóa và Kỹ thuật điện,
Hệ thống điện và Cung cấp điện, Điện tử viễn thông.
Mục tiêu của ngành Cơ điện tử và ngành Điện-Điện tử là đào tạo các kỹ
sư thực hành, có kiến thức và kỹ năng cơ bản về cơ khí, điện và điện tử
ứng dụng, có khả năng sử dụng các công cụ tin học ứng dụng để giải
quyết các vấn đề liên quan đến thiết kế, chế tạo, vận hành, cải tiến và
bảo trì các hệ thống máy móc, thiết bị cơ điện tử, hệ thống điện và hệ
thống cơ điều khiển tự động.
Học tập kinh nghiệm của các trường đại học Đức và Đài Loan, hai ngành
Cơ điện tử và Điện-Điện tử đã xây dựng chương trình đào tạo đại học với
mục tiêu thực hành cao, nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam và của
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Sinh viên được rèn luyện
kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm do trường đầu tư xây dựng hoặc
liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín tại Hà Nội.
Ngoài ra, cũng như sinh viên các ngành khác, sinh viên Cơ điện tử và
Điện-Điện tử được trang bị tiếng Anh cơ bản và chuyên ngành với số giờ
nhiều gấp ba lần số giờ quy định tối thiểu của chương trình đào tạo đại
học để đạt trình độ tối thiểu 500 điểm TOEFL khi ra trường.
Để đáp ứng mục tiêu nêu trên, hai ngành Cơ điện tử và Điện-Điện tử đã
chuẩn bị đội ngũ giảng viên là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đầu
ngành có kinh nghiệm nhiều năm trong giáo dục đại học. Trong quá trình
đào tạo, hai Khoa còn hướng cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học
và các hội thảo khoa học, đồng thời tìm hiểu, so sánh năng lực của sinh
viên trường ta với sinh viên cùng ngành kỹ thuật của các trường khác.
Được sự hỗ trợ của trường, năm 2009 Khoa Cơ-Điện đã tổ chức tuyển
chọn, bồi dưỡng, huấn luyện và cử một đội Cơ điện tử gồm 6 sinh viên
Khóa 12 đi dự thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 21 tại Trường Đại học
Hàng hải Hải Phòng và năm 2010 – một đội gồm 6 sinh viên Khóa 13 đi dự
thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 22 tại Trường Đại học Kiến trúc Hà
Nội. Kết quả năm 2009 có hai sinh viên đạt giải khuyến khích, năm 2010
có một sinh viên đạt giải khuyến khích. Điểm thi của sinh viên trường ta
đều đạt vị trí trung bình trở lên trong toàn bộ các sinh viên dự thi
của tất cả các trường đại học công lập, dân lập và tư thục, đạt vị trí
tốp đầu trong số các sinh viên dự thi của khối các trường đại học dân
lập-tư thục. Các sinh viên tham gia dự thi Olympic Cơ học đều có ý thức
học tập tốt hơn và là hạt nhân trong việc thúc đẩy phong trào học tập
của lớp. Kết quả này đã chứng minh sinh viên trường tư thục với điểm đầu
vào khiêm tốn, nhưng với sự đào tạo bài bản và sự quản lý tốt, vẫn có
thể đứng trong hàng ngũ sinh viên ưu tú của cả nước.
Khóa 11 của trường, đồng thời là khóa đầu tiên của ngành Cơ điện tử
và Điện-Điện tử, sau 4,5 năm học tập, hơn 70 sinh viên của hai ngành
(chiếm khoảng 80% sinh viên nhập học của Khóa này) đã được bảo vệ luận
văn tốt nghiệp từ giữa đến cuối năm 2010. Do chương trình đào tạo thích
hợp, các giảng viên nhiệt tình, công tác quản lý tốt, nên những sinh
viên nào cố gắng, chăm chỉ học tập, đều có kết quả học tập tốt. Phần lớn
luận văn tốt nghiệp của sinh viên Cơ điện tử và Điện-Điện tử đều có sản
phẩm cụ thể, đáp ứng yêu cầu đào tạo kỹ sư thực hành. Giảng viên hướng
dẫn và duyệt luận văn tốt nghiệp đa số là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến
sĩ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, đều
đánh giá cao nội dung luận văn và năng lực của sinh viên. Điểm luận văn
khá cao: gần 20% tốt nghiệp loại khá, còn lại là trung bình khá và trung
bình.
Một điều đáng mừng là nhiều sinh viên đã tìm được việc làm trong và
ngay sau thời gian làm luận văn. Đến nay, hầu hết sinh viên Khóa 11 hai
ngành Cơ điện tử và Điện-Điện tử đã tìm được việc làm trong các doanh
nghiệp nhà nước, liên doanh hay tư nhân. Sự chấp nhận của xã hội minh
chứng rõ ràng về chất lượng đào tạo ngành Cơ điện tử và Điện-Điện tử của
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
3. Phương hướng phát triển của ngành Cơ điện tử và Điện-Điện tử của Trường Đại hoc Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Tuy xuất hiện sau các ngành về Quản lý và Kinh doanh, nhưng bước sang
giai đoạn phát triển mới của trường, ngành Cơ điện tử và Điện-Điện tử
đã xác định phương hướng cụ thể trong thời gian tới.
Hai ngành tiếp tục đi theo hướng đào tạo kỹ sư thực hành. Điều này,
trước hết thể hiện ở chương trình đào tạo sẽ dành nhiều thời gian cho
sinh viên luyện tay nghề, phần kiến thức lý thuyết phải tập trung vào
những vấn đề cốt lõi, thiết yếu; yêu cầu đối với sinh viên chủ yếu là
biết để vận dụng kiến thức trong điều kiện các phương tiện thông tin,
tính toán phát triển cao. Hai khoa động viên và khuyến khích giảng viên
cơ hữu và thỉnh giảng biên soạn các bài giảng hoặc giáo trình của Trường
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội theo hướng thực hành và cô đọng,
giúp cho sinh viên học tốt hơn.
Việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sẽ thực hiện nhiều ở
trong trường. Mới đây, trường đã ưu tiên đầu tư cho Khoa Cơ-Điện tử xây
dựng một phòng thí nghiệm với quy mô vừa phải, sẽ hoàn thành vào tháng
6/2011. Tiếp sau đó sẽ xây dựng phòng thí nghiệm về Điện-Điện tử. Các
phòng thí nghiệm đó đủ khả năng cho sinh viên rèn luyện tay nghề và thực
hành lắp ráp vận hành các thiết bị tự động, rôbôt, các mạch điều khiển.
Ngoài ra, Khoa Cơ-Điện tử và Khoa Điện-Điện tử tiếp tục hợp đồng với
các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội để sinh viên làm quen với các
máy móc, thiết bị hiện đại và đa dạng. Chương trình đào tạo hai ngành
này còn bố trí một học kỳ (khoảng 5 tháng) cho sinh viên thực hành nghề ở
một số trường đại học tiên tiến tại Đài Loan hoặc Trung Quốc.
Tăng cường cơ sở vật chất và đẩy mạnh phương hướng thực hành, cùng
với việc sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, sẽ tạo nên
sự phấn khởi và tin tưởng của sinh viên, sẽ thu hút nhiều sinh viên vào
trường học về công nghệ-kỹ thuật. Song song với đào tạo hệ đại học, hai
Khoa Cơ-Điện tử và Điện-Điện tử đã chuẩn bị chương trình đào tạo liên
thông cho các sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng/cao đẳng nghề hoàn thiện
chương trình đại học để nhận bằng kỹ sư.
Với những thành công đã đạt được trong chặng đường 5 năm qua và những
phương hướng đào tạo cụ thể, thực tế, chắc chắn Khoa Cơ-Điện tử và Khoa
Điện-Điện tử sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc phát triển thương hiệu của
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. |
đăng 04:31, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. TS. Lê
Văn Hưng - Chủ nhiệm Khoa Tài Chính về quá trình hình thành, xây dựng và
phát triển khoa trong 15 năm qua.
Là một trong 4 khoa chuyên ngành đầu tiên của trường, trải qua chặng
đường 15 năm xây dựng và phát triển, Khoa Tài chính ngày nay (tiền thân
là Khoa Tài chính-Kế toán), với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử
thách, liên tục phấn đấu vươn lên và đã đạt được những kết quả rất đáng
khích lệ trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học; là một trong
những đơn vị phát triển nhanh chóng về quy mô và đạt chất lượng cao
trong giảng dạy và học tập của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà
Nội.
Phần 1. Nhìn lại chặng đường 15 năm xây dựng và trưởng thành
1. Mục tiêu và chương trình đào tạo
a) Giai đoạn 1996-2000: Mục tiêu chủ yếu của giai đoạn này là “Tham
gia đào tạo một đội ngũ cán bộ có khả năng quản lý tài chính và điều
hành hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp”, gọi tắt là các nhà quản
lý kinh doanh (Managers), gắn với tên gọi của trường khi mới được thành
lập.
Yêu cầu của Hiệu trưởng đối với một sinh viên tốt nghiệp ra trường
phải hội đủ 3 yếu tố cơ bản: thông thạo nghiệp vụ chuyên môn; sử dụng
thành thạo máy vi tính; tiếng Anh phải đạt trình độ 500 điểm TOEFL với
1000 tiết học trên lớp.
Chương trình đào tạo cử nhân trong những năm đầu chỉ tập trung cho
một ngành duy nhất là Quản lý kinh doanh. Những môn học có liên quan đến
chuyên ngành Tài chính-Kế toán chỉ có 45 ĐVHT, chiếm 17% tổng thời
lượng của chương trình đào tạo.
Đối với các chuyên ngành Tài chính-Kế toán-Ngân hàng, là những lĩnh
vực mà xã hội đang có nhu cầu lớn, nhưng thời lượng các môn học lại quá
ít so với các chuyên ngành Kinh tế và Quản lý, đúng như nhận xét của
Hiệu trưởng: “Rộng nhưng không rộng, mà sâu cũng chưa sâu”. Vì vậy, việc
định hình nghề nghiệp cho sinh viên để có căn cứ lựa chọn khi vào học
và khi ra trường cũng chưa rõ ràng.
Tuy chỉ mới là bước đầu của quá trình hình thành một chuyên ngành đào
tạo, nhưng đã thể hiện sự cố gắng và quyết tâm cao của các cán bộ giảng
viên trong Khoa Tài chính-Kế toán, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực
tiếp của tập thể Ban Giám hiệu, đứng đầu là GS. Hiệu trưởng Trần Phương
trong việc mở rộng chương trình đào tạo và phát triển đội ngũ giảng
viên.
Từ năm 2001 trở đi, Khoa đã tuyển chọn một số sinh viên tốt nghiệp
vào loại giỏi và xuất sắc để bổ sung cho đội ngũ giảng viên. Đến nay,
hầu hết trong số đó đã được đào tạo và nhận học vị Thạc sỹ ở trong nước
và ngoài nước, một số đã được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm khoa và tham gia
phụ trách các Tổ Bộ môn.
b) Giai đoạn 2001-2005: Trước tình hình phát triển nhanh chóng về quy
mô đào tạo của trường, đặc biệt là chuyên ngành Tài chính-Kế toán, mỗi
khóa đào tạo đã có trên 500 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Ban Giám
hiệu đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp nghiên cứu đề án: “Hoàn thiện chương
trình và nâng cao chất lượng đào tạo”. Mục tiêu chủ yếu của đề án là
đào tạo một đội ngũ chuyên gia có “chuyên môn rộng, có khả năng quản lý
cả một doanh nghiệp”. Theo đó, một số môn học chủ chốt, như Tài chính
doanh nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Tài chính tiền tệ, Thuế, Bảo hiểm,
Nghiệp vụ NHTM… đã được điều chỉnh tăng thêm thời lượng.
Từ năm học 2003-2004, bên cạnh hệ đào tạo cử nhân Quản lý kinh doanh,
nhà trường đã mở thêm hệ đào tạo cao đẳng Quản lý kinh doanh, chuyên
ngành Tài chính-Kế toán và hệ đào tạo trung cấp Kế toán.
Trong năm học 2004-2005, một sự kiện quan trọng là Hiệu trưởng đã ban
hành Quyết định số 146 QĐ/BGH ngày 5/10/2005 cho phép tách Khoa Tài
chính-Kế toán thành 2 khoa: Khoa Tài chính-Ngân hàng và Khoa Kế toán.
Mục tiêu của Khoa Tài chính-Ngân hàng là đào tạo một đội ngũ chuyên
gia nắm vững kiến thức về Tài chính doanh nghiệp và Ngân hàng thương
mại, sử dụng tương đối thành thạo ngoại ngữ và tin học trong các hoạt
động nghiệp vụ. Sinh viên ra trường còn có khả năng làm việc trong các
ngành khác nhau, như Thuế, Hải quan, Bảo hiểm, Chứng khoán, Kiểm toán và
các cơ quan đơn vị sự nghiệp…
c) Giai đoạn 2006-2011: Do nhu cầu mở rộng mục tiêu đào tạo sang lĩnh
vực kỹ thuật-công nghệ, ngày 19/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành
Quyết định số 750/QĐ-TTg về việc đổi tên Trường Đại học Quản lý và Kinh
doanh Hà Nội thành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Từ
đây, sứ mệnh của trường được xác định là đào tạo đồng thời các chuyên
gia kinh tế và kỹ thuật thực hành, kết hợp lý luận với thực tiễn, phát
triển tài năng đi đôi với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nhằm đào tạo những
cán bộ vừa hồng vừa chuyên.
Từ năm học 2007-2009, trường đã mở thêm hệ cao đẳng và hệ đại học tại
chức đào tạo cử nhân Tài chính-Ngân hàng, đồng thời, xây dựng chương
trình đào tạo hệ trung cấp Tài chính-Ngân hàng. Chương trình này là một
bộ phận rất quan trọng trong chiến lược tăng quy mô đào tạo cử nhân Tài
chính-Ngân hàng thông qua hệ liên thông, đảm bảo cho sinh viên có đủ khả
năng thực hành các nghiệp vụ Tài chính-Kế toán của các doanh nghiệp,
Ngân hàng thương mại, cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm, đặc
biệt là các đơn vị sự nghiệp công.
Như vậy, từ năm học 2008 - 2009, ngành Tài chính-Ngân hàng đã hội tụ
đủ 3 cấp đào tạo: đại học chính quy, cao đẳng và trung cấp chuyên
nghiệp.
Trong 3 năm học gần đây (2007-2010), khối lượng sinh viên vào trường
tăng đột biến, đặc biệt là các hệ cao đẳng, trung cấp, liên thông và đại
học tại chức. Mặt khác, số sinh viên đăng ký vào học chuyên ngành Tài
chính-Ngân hàng chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Vì vậy, vào đầu năm 2010,
Ban Giám hiệu đã quyết định tách Khoa Tài chính-Ngân hàng thành Khoa Tài
chính và Khoa Ngân hàng, chính thức hoạt động từ 1/3/2010.
Như vậy, từ một Khoa Tài chính-Kế toán ra đời khi trường mới được
thành lập, trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đã hình thành 3 khoa
vào loại lớn của trường là Khoa Tài chính, Khoa Ngân hàng và Khoa Kế
toán. Hàng năm, số sinh viên đăng ký vào học 3 khoa này chiếm xấp xỉ 80%
tổng số sinh viên của trường.
Hiện nay Khoa Tài chính đã có 26 cán bộ, giảng viên cơ hữu. Gần một
nửa trong số đó có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ, Phó Giáo sư. Ngoài ra, còn
có trên 10 cán bộ khoa học là giảng viên kiêm chức và thỉnh giảng. Khoa
Tài chính được Ban Giám hiệu giao quản lý 20 môn học cơ sở ngành và
chuyên ngành. Chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình, giáo khoa, bài
tập thực hành, bộ đề thi trắc nghiệm trên máy tính… đều do Khoa chủ trì
và phối hợp biên soạn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giảng dạy và học tập của
cán bộ và sinh viên trong toàn trường.
2. Một số bài học kinh nghiệm
Nhìn lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói chung và của Khoa Tài chính nói
riêng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm thành công chủ yếu sau
đây:
1. Nắm vững sứ mệnh và mục tiêu của trường là đào tạo một đội ngũ cán
bộ kinh tế và kỹ thuật thực hành; tham gia tích cực vào việc hình thành
nguồn nhân lực chủ chốt cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế-tài
chính, các cơ quan đơn vị sự nghiệp ở trung ương và các địa phương.
2. Quan tâm tìm hiểu nguyện vọng và trình độ của các đối tượng đã
trúng tuyển vào học các hệ đào tạo của trường để từ đó xây dựng nội
dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy phù hợp để đạt được
kết quả mong muốn.
3. Thường xuyên quan tâm chăm lo các điều kiện phục vụ công tác giảng
dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Trong đó, quan trọng nhất
là việc biên soạn đầy đủ, kịp thời, đạt chất lượng cao hệ thống giáo
trình, giáo khoa, bài tập thực hành và ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm
trên máy tính; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ giảng dạy, học tập và
thi đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
4. Chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ và phương pháp giảng
dạy của đội ngũ giảng viên; đặc biệt chú ý bồi dưỡng kinh nghiệm dạy chữ
và dạy người cho đội ngũ giảng viên trẻ để nâng cao uy tín và chất
lượng đào tạo của trường, của Khoa và của từng môn học.
5. Khoa và Bộ môn phải quan tâm xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp
tác với các đơn vị trong và ngoài trường, đặc biệt là việc sắp xếp kế
hoạch giảng dạy các môn học hợp lý, khoa học, giúp người học tiếp thu
kiến thức thuận lợi. Đối với cán bộ kiêm giảng và thỉnh giảng trong và
ngoài trường, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, ngoài việc tham
gia giảng dạy, có thể mời tham gia viết giáo trình, biên soạn bài tập
thực hành, hướng dẫn sinh viên viết luận văn tốt nghiệp…
6. Khoa và Bộ môn phải hết sức chú trọng xây dựng phòng tư liệu, cập
nhật các văn bản chế độ chính sách mới của ngành có liên quan đến dạy và
học; bố trí thời gian để giáo viên đi khảo sát thực tế; khắc phục tình
trạng giảng “lý thuyết suông”, giảm tính hấp dẫn, gây cứng nhắc, khó
khăn cho người giảng và nhàm chán cho người học.
7. Kết hợp hài hòa công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong
đội ngũ giảng viên với những hình thức và bước đi thích hợp. Từ việc
nghiên cứu nâng cao chất lượng giáo án, biên soạn câu hỏi trắc nghiệm,
bài tập thực hành, đến việc hướng dẫn sinh viên đi thực tập và viết luận
văn tốt nghiệp… Yêu cầu chung đối với đội ngũ giảng viên là phải không
ngừng nâng cao trình độ chuyên môn; phấn đấu vươn lên để đạt được trình
độ Thạc sỹ, Tiến sỹ, Phó Giáo sư…
8. Xác định chức trách, nhiệm vụ, phân công hợp lý rõ ràng trong Ban
Chủ nhiệm Khoa, trong các Tổ Bộ môn. Duy trì sinh hoạt chuyên môn thường
kỳ, đều đặn với nội dung phong phú, thiết thực. Lãnh đạo Khoa cần bàn
bạc thống nhất trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng
tháng, hàng quý, từng học kỳ và cả năm học. Cần có đánh giá chất lượng
công việc và thời gian hoàn thành; có khen chê đúng người, đúng việc.
9. Cần quan tâm và duy trì sinh hoạt của Chi bộ Đảng, Tổ Công đoàn,
các đoàn thể quần chúng. Chú trọng công tác xây dựng và phát triển Đảng;
xây dựng nội dung hoạt động thiết thực, bổ ích của tổ chức Công đoàn cơ
quan, trường học, trọng tâm là việc chăm lo đời sống vật chất và tinh
thần của cán bộ, giảng viên. Giữ gìn khối đoàn kết nhất trí trong lãnh
đạo và giữa lãnh đạo với cán bộ, nhân viên trong Khoa.
Phần 2. Mục tiêu chiến lược phát triển của Khoa Tài chính giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020
1. Mục tiêu tổng quát
- Tập trung sức mạnh và trí tuệ xây dựng Khoa Tài chính phát triển ổn
định và bền vững; không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập
đối với tất cả 20 môn học do Khoa quản lý, trực tiếp biên soạn giáo
trình và giảng dạy.
- Phấn đấu đến năm 2015 mỗi giảng viên cơ hữu của Khoa phải giảng tối
thiểu 2-3 môn học. Đến năm 2020 các giảng viên cơ hữu chủ động nắm vững
các môn học lý thuyết trong phạm vi Bộ môn và Khoa phụ trách.
- Hàng năm bố trí khoảng 10% thời gian đi nghiên cứu thực tế để nắm
bắt tình hình có liên quan đến các môn học do Bộ môn và Khoa phụ trách.
2. Chiến lược phát triển
a) Về hệ thống giáo trình, giáo khoa
* Đến năm 2015:
- Soát xét, chỉnh lý để hoàn thiện 9 bộ giáo trình đã biên soạn và
đang giảng dạy, bảo đảm đạt các yêu cầu cơ bản do Ban Giám hiệu thống
nhất quy định
- Biên soạn bộ bài tập thực hành của một số môn học kiến thức ngành và chuyên ngành.
- Hoàn thiện bộ đề thi trắc nghiệm, công bố đáp án đúng theo quy định.
- Hoàn thành việc biên soạn và đưa vào giảng dạy theo hình thức tín
chỉ 11 bộ giáo trình của các môn học mới đã được Ban Giám hiệu phê
duyệt, kịp thời giảng dạy một số môn học mới từ khóa 14 và giảng toàn bộ
từ khóa 15.
* Đến năm 2020: bổ sung, chỉnh lý và biên soạn lại toàn bộ 20 giáo
trình, đáp ứng được cả 3 yêu cầu: cơ bản nhất, hiện đại nhất, Việt Nam
nhất.
b) Về đội ngũ cán bộ, giảng viên
* Hiện nay, số giảng viên cơ hữu có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ, Phó
Giáo sư có 16 người, đạt tỷ trọng 64% trong tổng số cán bộ, giảng viên.
* Đến năm 2015: phấn đấu để số giảng viên cơ hữu có trình độ Thạc sỹ,
Tiến sỹ, Phó Giáo sư đạt được 24 người (tăng thêm 3 Tiến sỹ và 8 Thạc
sỹ), đạt tỷ trọng 93% trong tổng số cán bộ, giảng viên.
* Đến năm 2020: phấn đấu 100% giảng viên cơ hữu phải đạt trình độ
Thạc sỹ trở lên. Trong đó, có 3 PGS, TS, 5 Tiến sỹ, 18 Thạc sỹ.
3. Giải pháp thực hiện
Để đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển nói trên, toàn thể cán
bộ, giảng viên của Khoa Tài chính sẽ chủ động triển khai các giải pháp
sau đây:
1) Làm tốt công tác bồi dưỡng giảng viên trẻ. Phân công các giảng
viên có nhiều kinh nghiệm giúp đỡ các giảng viên trẻ, hướng dẫn và kiểm
tra giáo án; bố trí thời gian cho giảng viên giảng thử những chương,
mục khó giảng, những môn học mới; dự giờ giảng trên lớp để có ý kiến
nhận xét đánh giá chất lượng giảng dạy.
2) Tăng cường sinh hoạt chuyên môn của Khoa, lấy trọng tâm là các Tổ
Bộ môn. Nội dung chủ yếu là hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo khoa
các môn học do Khoa quản lý; bổ sung và hoàn thiện hệ thống bài tập thực
hành; ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trên máy tính; đề thi tự luận các
môn học có nhiều bài tập; kết hợp triển khai công tác nghiên cứu khoa
học; cải tiến và nâng cao phương pháp giảng dạy; trao đổi kinh nghiệm
seminar; phối hợp với Phòng Công tác Sinh viên quản lý và giáo dục sinh
viên chây lười, yếu kém.
3) Có kế hoạch bồi dưỡng giảng viên cơ hữu nâng cao trình độ chuyên
môn nghiệp vụ thông qua chương trình đào tạo sau đại học của trường và
các trường khác, trong nước và ngoài nước; động viên và tạo điều kiện
cho những giảng viên đã có bằng Thạc sỹ được học thêm để làm nghiên cứu
sinh, từng bước nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ giảng viên trong
Khoa.
4) Xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác với các trường, các cơ quan
thực tế để làm tốt công tác biên soạn giáo trình, tham gia thỉnh giảng,
báo cáo chuyên đề thực tế, phối hợp nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh
viên viết luận văn tốt nghiệp; cập nhật tình hình thực tế, củng cố kiến
thức lý luận, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của cán bộ, giảng
viên và sinh viên.
5) Hàng năm có kế hoạch bổ sung cán bộ, giảng viên từ hai nguồn chủ
yếu: a). Tổ chức bồi dưỡng và tuyển chọn những sinh viên của Khoa đã tốt
nghiệp loại giỏi và xuất sắc và có nguyện vọng ở lại trường làm công
tác giảng dạy. B). Tiếp nhận các cán bộ, giảng viên của các trường đại
học, các bộ ngành đã có học hàm, học vị và có nhiều kinh nghiệm trong
công tác đào tạo, có sức khỏe tốt, phục vụ lâu dài. |
đăng 04:30, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. TS. Trần
Ngọc Chương, Chủ nhiệm Khoa Đào tạo tại chức về quá trình hình thành,
xây dựng và phát triển khoa trong 15 năm qua.
Khi mới thành lập, ngoài những ngành nghề đào tạo của hệ chính quy,
trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn tổ chức Khóa học HƯỚNG
NGHIỆP dành cho những thí sinh chưa đủ điểm vào các trường đại học,
muốn củng cố kiến thức để sang năm thử sức một lần nữa. Trong các trường
đại học ở nước ngoài, khóa học loại này có tên gọi là”Khóa học dự bị”
(Preparatory Course). Những học sinh đã qua Khóa học Hướng nghiệp của
trường ta, năm sau thi lại, thường đạt tỉ lệ trúng tuyển vào các trường
đại học cao gấp ba, bốn lần so với học sinh tốt nghiệp trung học phổ
thông nói chung.
Ngoài việc ôn lại, nâng cao kiến thức trung học phổ thông, học sinh
Hướng nghiệp còn được đào tạo về Tin học ứng dụng và tiếng Anh là những
học phần của Chương trình đào tạo đại học. Nếu năm sau trúng tuyển vào
trường ta, các học sinh Hướng nghiệp của trường sẽ được miễn học lại
những học phần đó. Nếu không trúng tuyển đại học, những kiến thức về Tin
học và tiếng Anh đã học cũng có thể giúp các em nhiều để tìm kiếm việc
làm. Tôi còn nhớ hồi đó có một phụ huynh học sinh Hướng nghiệp quê ở
Thái Bình đã hồ hởi nói với tôi rằng: “Nhờ học môn Tin học ứng dụng ở
trường thầy, con tôi đã mở được cửa hàng Photocopy và Dịch vụ Tin học”.
Do những yêu cầu hấp dẫn của Hệ “Hướng nghiệp”, nên thời gian đầu mới
thành lập, trường ta không đáp ứng nổi nhu cầu của học sinh xin vào học
, vì thiếu phòng học. Trong các năm 1998 2000, số đơn xin vào học lên
tới trên 3.000, nhưng chúng ta chỉ có khả năng tuyển 2.000. Và cũng từ
đó, tên gọi “3A”, “4A”, “5A”, … ra đời là để dành riêng cho các lớp gồm
những học sinh Hướng nghiệp trúng tuyển vào trường ta. Nhắc đến những
tên gọi này, chắc các thầy Nguyễn Hùng Sinh (Khoa CĐ-TCCN), Phạm Minh
Trị và Lê Khắc Sửu (Phòng CTSV) có nhiều kỷ niệm đáng nhớ một thời.
10 năm Hệ “Hướng nghiệp” tồn tại và phát triển đã có nhiều thành tích
to lớn đóng góp vào sự phát triển chung của trường ta và xã hội. Theo
số liệu do Phó trưởng phòng Giáo vụ Lê Ngọc Lan cung cấp, hiện đã có
2.542 cử nhân tốt nghiệp ra trường đang phục vụ ở các lĩnh vực khác nhau
của nền kinh tế nước ta là những học sinh từng học qua Hệ “Hướng
nghiệp” của trường.
Một điều đáng tiếc là trước khi chấm dứt sự nghiệp đào tạo “Hướng
nghiệp”, chúng ta không tổ chức tổng kết để vinh danh người đã sáng lập
ra nó, người mà 15 năm xây dựng và phát triển của trường Đại học Kinh
doanh và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều công lao to lớn rất đáng trân
trọng: đó là GS. Hiệu trưởng Trần Phương.
Chấm dứt sự nghiệp đào tạo “Hướng nghiệp”, cán bộ Khoa Hướng nghiệp
chuyển sang đảm nhận một nhiệm vụ mới đầy khó khăn, vất vả: sự nghiệp
ĐÀO TẠO TẠI CHỨC.
Được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 22.11.2006, Hiệu trưởng
trường đã ban hành Quyết định thành lập Khoa Đào tạo Tại chức trực thuộc
Ban giám hiệu. Trường ta là trường đại học ngoài công lập đầu tiên được
Bộ cho phép mở hệ Đào tạo Tại chức.
Được cấp phép đào tạo vào cuối năm, để kịp tuyển sinh khóa đầu tiên,
Khoa đã tranh thủ xin chỉ tiêu của Bộ và thông báo tuyển sinh. Sau hơn
ba tháng, trên 200 sinh viên Khóa I đã bắt đầu buổi học đầu tiên.
Công việc của Khoa Đào tạo Tại chức không giống phần lớn các khoa
trong trường. Toàn bộ các khâu từ tuyển sinh đầu vào, lập thời khóa
biểu, lên kế hoạch mời giáo viên các khoa, tổ chức thi kết thúc các học
phần, thu học phí, cung cấp giáo trình cho học viên… - đều do Khoa phụ
trách.
Nguồn tuyển sinh ở Hà Nội ngày càng thu hẹp, Khoa đã tiến hành liên
kết tuyển sinh với một số tỉnh, thành, như Lào Cai, Bắc Kạn, Sơn La,
Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình,… để mở rộng quy mô đào tạo.
Gần 5 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Khoa đã có quy mô trên
4.500 sinh viên. Đứa con đầu lòng Khóa 1 sẽ tốt nghiệp ra trường vào
cuối năm 2011.
Những kết quả đạt được của Khoa trong thời gian qua là nhờ có sự chỉ
đạo sát sao và có hiệu quả của GS. Hiệu trưởng và Ban giám hiệu, của các
phòng, ban, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của các khoa chuyên ngành
trong việc cử giáo viên đi giảng… Và, trước hết, không thể thiếu sự nỗ
lực và tinh thần đầy trách nhiệm của tập thể cán bộ trong Khoa. Điều này
đã được bạn Trần Phong phản ánh trong bài viết khá cảm động đăng trên
Bản tin “Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội” số 42:
“Tối nào cũng vậy, các thầy cô đến lớp rất đúng giờ. Khi sinh viên
các lớp về hết, các thầy cô trực của Khoa Tại chức mới ra về. Tôi biết
trong số họ, có không ít người rất bận việc gia đình, thậm chí có con
nhỏ, mẹ già. Có một tối vô tình ghé qua Văn phòng Khoa, tôi bắt gặp lãnh
đạo và cán bộ trong Khoa đang quây quần bên mâm cơm đạm bạc tới mức
đáng ngạc nhiên. Hình như đêm nay Khoa phải coi thi hoặc chuẩn bị lên
đường tới các lớp ở Lào Cai, Bắc Kạn… để tổ chức thi kết thúc các học
phần, thu học phí… Thú thật, lúc đó trong lòng tôi bỗng trào dâng nỗi
thương cảm các thầy cô vô hạn. Mỗi người mỗi nghề, biết nghề nào nhàn
nhã, vất vả hơn nghề nào, nhất là khi tuổi đời của nhiều thầy cô đã
thuộc lớp người xưa nay hiếm…”
Vâng, còn gì đáng khích lệ hơn khi được người đời đánh giá đúng công việc và sự cống hiến của mình.
Nhân kỷ niệm 15 năm xây dựng và trưởng thành của trường Đại học Kinh
doanh và Công nghệ Hà Nội, những người làm sự nghiệp 10 năm đào tạo
“Hướng nghiệp” và 5 năm đào tạo Đại học Tại chức vui mừng trước những
thành quả to lớn của trường trong 15 năm qua và thầm lấy làm vui, vì
trong đó có công lao nhỏ bé của mình đóng góp. |
đăng 04:29, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
MƯỜI LĂM NĂM PHẤN ĐẤU BẢO ĐẢM VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Nguyên Phó hiệu trưởng GS. TSKH. Phan Văn Tiệm
Mười lăm năm phát triển, trưởng thành là một giai đoạn mà
tập thể thầy và trò, cán bộ quản lý Trường Đại học Kinh doanh và Công
nghệ Hà Nội (tiền thân là Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội)
phấn đấu không ngừng bảo đảm và từng bước nâng cao chất lượng của các
hệ, các cấp, các hình thức và tất cả các ngành đào tạo.
Thành tựu về chất lượng đào tạo đã, đang và mãi mãi sẽ là yếu tố
quyết định uy tín và ảnh hưởng của trường trong cộng đồng các trường
đại học trong và ngoài nước.
Nguồn gốc sâu xa tạo nên những thành tựu này là các quyết sách
chiến lược phát triển trường đã được quyết định trong Hội đồng Sáng lập
(nhóm trí thức cốt cán của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) do Giáo sư,
Chủ tịch Hội đồng Trần Phương đề xướng. Đó là các quyết sách sau đây:
Một là, quyết sách về xây dựng một trường đại học đa ngành bắt đầu từ
ngành đào tạo nhân lực Quản trị kinh doanh (Quản lý kinh doanh) bậc đại
học chính quy. Trên đường phát triển sẽ tích lũy kinh nghiệm và nghiên
cứu nhu cầu về các loại nhân lực của một vài thập kỷ sắp tới, chuyển dần
thành đa ngành về kinh tế: Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Du lịch,
Thương mại, v.v...; tiến tới phát triển các ngành thuộc lĩnh vực kỹ
thuật, công nghệ, bắt đầu từ Công nghệ thông tin và các ngành thuộc lĩnh
vực Ngữ văn, bắt đầu từ tiếng Anh kinh doanh. Ngày nay, sau 15 năm, đã
hình thành một trường đại học đa ngành thuộc tốp đầu của cả nước, nhất
là về các ngành đào tạo trong lĩnh vực quản lý kinh doanh theo hướng
thực hành - ứng dụng.
Hai là, quyết sách đào tạo nhân lực góp phần đáp ứng yêu cầu
trang bị một giàn cán bộ cốt cán, bắt đầu từ các ngành quản trị kinh
doanh phát triển sang lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ ở tầm vi mô: Công
ty, doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ (cả công ty gia
đình, siêu nhỏ). Trong thực tiễn, sinh viên của trường sẽ nắm giữ các
vai trò khác nhau về nghề quản lý các loại doanh nghiệp lớn, cực lớn.
Những năm tháng ở trường là nhằm tạo ra các cơ sở vững chắc cho triển
vọng đó.
Ba là, quyết sách đào tạo cán bộ kinh doanh và công nghệ thực hành -
ứng dụng, trước hết là ở doanh nghiệp theo nghề quản lý kinh doanh và
ứng dụng công nghệ.
Bốn là, quyết sách đào tạo kỹ năng cơ bản là thành thạo nghề
nghiệp - chuyên môn nghiệp vụ - kỹ thuật, công nghệ cùng với hai kỹ năng
phụ trợ: Ngoại ngữ (trước hết là tiếng Anh kinh doanh) và kỹ năng sử
dụng kỹ thuật vi tính, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bốn quyết sách chiến lược trên đây đã là cột trụ của mô hình đào
tạo nhân lực của trường, vận hành có hiệu quả trong 15 năm qua. Mô hình
đó góp phần quyết định cơ cấu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, dẫn đến
chất lượng đào tạo được nâng cao vượt trội qua mỗi khóa đào tạo, phát
huy uy tín, thương hiệu của trường. Đó cũng là những quan điểm cơ bản
chi phối mỗi hoạt động đào tạo của trường ở các ngành, các cấp, các hệ
(lĩnh vực) và hình thức, phương pháp thực hiện toàn bộ quy trình đào tạo
toàn khóa.
Trong giai đoạn vài năm gần đây, sau nhiều vòng nghiên cứu, thảo
luận, tìm tòi, đội ngũ cốt cán, giảng viên, cán bộ quản lý với sự chỉ
đạo trực tiếp của Giáo sư Hiệu trưởng đã tạo ra quyết sách lớn thứ năm:
Chuyển từ đào tạo theo niên chế qua học chế tín chỉ với những bước đi
thích hợp. Đó là hai giai đoạn: Sau học kỳ đầu theo chương trình đại
cương do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và các học phần thuộc kiến thức
cơ sở theo ngành đào tạo do trường quyết định. Từ học kỳ 7, sinh viên
đại học chính quy được lựa chọn đăng ký học các chuyên ngành (thường là 3
- 5 chuyên ngành cho mỗi ngành). Mỗi chuyên ngành gồm 3 - 5 học phần
chuyên sâu của từng ngành đào tạo. Quá trình chuyển qua học chế tín chỉ
tuy mới bắt đầu, nhưng triển vọng rất lớn đối với việc quán triệt quyết
sách đào tạo nghề nghiệp với 3 loại kỹ năng, trong đó kỹ năng chuyên môn
- kỹ thuật là cơ bản. Bước chuyển này tạo ra khả năng nâng cao chất
lượng đào tạo, tiến thêm mức mới trong giai đoạn 15 năm thứ hai của
trường (2011 - 2025).
Ban lãnh đạo trường, đứng đầu là GS. Hiệu trưởng Trần Phương, đã
đưa ra phương hướng cơ bản của thời kỳ phát triển sau 15 năm đầu là
chuyển mạnh sang phát triển chiều sâu, lấy chất lượng đào tạo làm đầu.
Do vậy khi đã đánh giá chính xác nguồn gốc tạo ra thành công về chất
lượng đào tạo của 12 khóa đại học chính quy và chất lượng đầu ra của các
cấp, các hệ và các hình thức đào tạo khác trong 15 năm qua, cần xác
định rõ những giải pháp cơ bản đã được áp dụng ở các khâu của tòan bộ
quá trình đào tạo của trường. Nhìn tổng quát, có thể thấy 15 năm qua
trường đã kiên trì thực hiện hàng loạt giải pháp rất căn bản. Sau đây là
một số giải pháp lớn.
Trước hết, ngay từ trước khi chiêu sinh Khóa I (1995 - 1996),
những người lãnh đạo và đội ngũ cốt cán đã đặt ra ưu tiên số một để mở
trường là xác định một số chương trình đào tạo cho vài ngành mở đầu của
trường. Có thể nói, một chương trình đào tạo khoa học, hợp lý phù hợp
với thực tiễn, tiếp cận được thành tựu đào tạo đại học tiên tiến trên
thế giới là tiền đề có ý nghĩa quyết định thành công của quá trình đào
tạo. Một chương trình có chất lượng là chương trình có cơ cấu kiến thức
hợp lý, chứa đựng những kiến thức hiện đại, chống lạc hậu, sáo mòn, có
tác dụng chuẩn bị kiến thức và đặc biệt là kỹ năng cơ bản phù hợp với
các “chuẩn đầu ra” do trường đã xác định. Chương trình đào tạo quyết
định chất lượng đào tạo của trường, của từng ngành đào tạo. Trường đã
dày công tham khảo hàng trăm chương trình đào tạo có liên quan của hàng
chục trường đại học danh tiếng của Mỹ, Tây âu, Úc, một số nước châu á và
Đông Nam á; từ đó kết hợp với thực tiễn Việt Nam, những quy định cơ bản
trong Luật Giáo dục và các văn bản pháp quy của Nhà nước, của ngành để
xây dựng chương trình đại học chính quy đầu tiên của Khóa I cho ngành
Quản lý kinh doanh. Đến nay trường đã qua 7 lần điều chỉnh, bổ sung trên
cơ sở kinh nghiệm đúc rút từ các khóa đào tạo để hình thành một hệ
thống chương trình đào tạo của trường. Đó là điểm tựa và là điểm xuất
phát đầu tiên để bố trí quá trình đào tạo trong trường (hệ thống chương
trình lấy chương trình đại học chính quy làm cơ sở); là chỗ dựa để soạn
thảo chương trình đào tạo các cấp học trong cùng ngành đào tạo, các
phương thức đào tạo (trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học liên
thông, tại chức, kể cả đào tạo từ xa).
Hệ thống chương trình đào tạo của trường hiện nay gồm có 13
chương trình với những đặc thù riêng theo ngành, nhưng đều dựa trên
những chuẩn mực thống nhất, như khung thời gian của khóa học (4 - 4,5
năm/một khóa), có cả 3 phần kiến thức: Đại cương, cơ sở ngành và chuyên
ngành tự chọn (học chế tín chỉ). Hiện tại ngành Quản lý kinh doanh có 6
chương trình, Kỹ thuật - công nghệ - 5 chương trình và Ngữ văn - 2
chương trình. Trong mỗi lĩnh vực thì giữa các ngành đào tạo cũng có sự
khác biệt, không phải ở phần đại cương, mà chủ yếu là ở phần cơ sở ngành
và đặc biệt khá rành rọt trong phần đào tạo chuyên sâu của mỗi ngành.
Tính hệ thống về chương trình đào tạo là cơ sở thực hiện đào tạo
liên thông (từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại
học. Đào tạo thạc sĩ kinh tế, với các chương trình Quản trị kinh doanh,
Tài chính, Kế toán và Ngân hàng, thực sự là việc nối tiếp trên cơ sở cao
hơn, sâu hơn kiến thức ngành đại học chính quy tương ứng.
Đặc điểm nổi bật của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà
Nội là không chỉ xây dựng chương trình cho ngành đào tạo (13 ngành) và
chuyên ngành (2 - 4 chuyên ngành trong mỗi ngành), mà còn thiết kế
chương trình cho từng môn học (học phần). Tất cả các chương trình ngành,
chuyên ngành và học phần đều theo mẫu thống nhất của Bộ Giáo dục và đào
tạo do các chuyên gia của Hội đồng Khoa học thuộc các Bộ môn, Khoa xây
dựng, Giáo sư Hiệu trưởng duyệt, phê chuẩn ban hành, là cơ sở viết giáo
trình, bài giảng cho tất cả các ngành, chuyên ngành, học phần.
Giải pháp lớn nổi bật là xử lý thích hợp yêu cầu đào tạo theo
mục tiêu, mô hình riêng có và các kỹ năng chuyên ngành của trường để
hình thành gần 100 giáo trình, bài giảng hiện đang áp dụng có hiệu quả
trong trường. Về nguyên tắc, giáo trình, bài giảng phải tuân thủ các
chuẩn đầu ra của ngành, mục tiêu đào tạo của từng môn học và trên hết là
phải bảo đảm định hướng đào tạo cán bộ thành thục nghề nghiệp theo mục
tiêu của từng ngành và chuyên ngành đào tạo.
Trường áp dụng 3 loại giáo trình trên cơ sở bảo đảm tính khoa
học, hiện đại, thực tiễn nghề nghiệp (kỹ năng chuyên môn) cho từng ngành
học và môn học. Giáo trình (hoặc bài giảng) tự biên soạn do Hội đồng
Khoa học chuyên ngành thẩm định, Hiệu trưởng duyệt phát hành, sử dụng
trong trường. Nhiều môn học mới chưa kịp hoặc không cần thiết tự biên
soạn thì lựa chọn các giáo trình hiện có trong nước và trên thế giới
(dịch) để áp dụng. Có những bộ môn khoa học trên thế giới chưa hoặc
không có giáo trình in sẵn, thì sử dụng các công trình chuyên ngành của
các tác giả được phổ biến sử dụng ở các ngành tương tự (Thị trường chứng
khóan, Khoa học lao động, Kinh tế học Vi mô, v.v...) trong các trường
đại học danh tiếng ở nước ngòai.
Dù đã dầy công đầu tư liên tục hoàn thiện chương trình, giáo
trình, không ngừng đổi mới cơ cấu kiến thức theo hướng hiện đại hơn, tay
nghề trong chuẩn đầu ra thành thạo hơn, ba kỹ năng đều được xem trọng
và vẫn coi kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ là cơ bản nhất, song cơ cấu kiến
thức trong các chương trình và giáo trình của trường đang có sự đòi hỏi
hiện đại hơn nữa, thực hành nghề nghiệp chuyên sâu và thành thạo hơn
nữa đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Chương trình tốt, giáo trình hay đều do đội ngũ cán bộ giảng dạy
và quản lý góp phần xây dựng nên. Họ là lực lượng cơ bản nhất, quyết
định nhất, tạo nên chất lượng tốt của quá trình đào tạo. Ý thức được tầm
quan trọng này, Ban lãnh đạo trường đã có chính sách chiêu hiền đãi sĩ
khá thành công. Đó là thế hệ đã hết tuổi làm việc trong các trường đại
học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Họ là những trí
thức còn sức khỏe và tâm huyết đào tạo thế hệ trẻ. Bên cạnh lớp cán bộ
này trường còn có những giảng viên mới tốt nghiệp 5 - 10 năm ở các
trường đại học trong và ngoài nước. Thế hệ lớn tuổi có thâm niên giảng
dạy và quản lý đào tạo, quản lý kinh tế trên dưới 30 năm. Họ có học vị
tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, phó giáo sư, giáo sư, nhà giáo ưu tú... Thế
mạnh đó cho phép họ đảm đương những khâu quan trọng nhất trong quá trình
đào tạo của trường, đồng thời kèm cặp hướng dẫn lớp giảng viên trẻ.
Giảng viên trẻ tuy ít kinh nghiệm hơn, nhưng kiến thức và kỹ năng về
quản trị kinh doanh và công nghệ hiện đại, kỹ năng sử dụng công nghệ
thông tin và ngoại ngữ (tiếng Anh) vượt trội sẽ bổ sung những yếu tố rất
quý cho đội ngũ gồm nhiều thế hệ giảng viên và cán bộ quản lý. Sự kết
hợp, bổ sung này làm nên sức mạnh của Trường Đại học Kinh doanh và Công
nghệ Hà Nội và chất lượng đào tạo của trường hiện nay và cả trong thời
gian sắp đến.
Một giải pháp căn bản đã áp dụng trong 15 năm qua của trường là
đổi mới cách thi và kiểm tra. Ngay từ kỳ thi tuyển sinh Khóa I (1996),
trường đã từ bỏ cách thi tự luận và vấn đáp vốn là truyền thống ở các
trường đại học Việt Nam. 15 năm nay trường đã áp dụng khá triệt để cách
thi trắc nghiệm khách quan trên máy đối với tất cả các kỳ thi kết thúc
học phần, học kỳ cho gần 100% môn học thuộc lĩnh vực đào tạo các ngành
Quản lý kinh doanh, Công nghệ thông tin và nhiều môn học ngành tiếng Anh
kinh doanh. Trong các ngành Kỹ thuật - công nghệ hình thức thi này đang
được dần dần đưa vào áp dụng. Cách thi trắc nghiệm khách quan trên máy
giúp rút ngắn thời gian thi, chấm bài, thống kê điểm kết quả học tập học
kỳ, năm học và khóa học của sinh viên. Cách thi này kiểm tra gần như
toàn phần môn học (học phần), chống “học tủ”, đặc biệt là hầu như triệt
tiêu được tệ nạn “mua bài, bán điểm” ở các kỳ thi bằng phương pháp tự
luận.
Trong 15 năm qua đội ngũ giảng viên, Hội đồng Khoa học Khoa,
trường đã thẩm định và công bố áp dụng hơn 7 vạn câu hỏi thi trắc nghiệm
khách quan trên máy. Đó là các công trình khoa học quý giá, góp phần
đắc lực vào việc thúc đẩy phong trào tự học, nắm bắt có hệ thống nội
dung khoa học của các môn học trong tuyệt đại bộ phận sinh viên, nhất là
ở các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực quản lý kinh doanh. Giải pháp
lớn khác có tác dụng sâu sắc đến việc bảo đảm và từng bước nâng cao chất
lượng đào tạo của trường là một loạt quy chế được áp dụng thúc đẩy dạy
và học theo phương pháp tích cực, lấy sinh viên làm trung tâm của quá
trình đào tạo. Cho đến nay hầu như không tồn tại hiện tượng giảng bài
bằng cách “dạy áp đặt, học thụ động” theo kiểu “thầy nói - trò ghi”.
Trường chủ trương giảm giờ giảng, tăng seminar, bài tập, mở rộng
các hình thức áp dụng computer, projector và cả các kiểu “thực hành ảo”
qua các mô hình mô phỏng bằng phim ảnh và các hình thức khác. Tất cả
các học phần thuộc các chương trình đại cương, cơ sở ngành cũng như
chuyên ngành thuộc tất cả các ngành đào tạo bắt buộc dành ít nhất 30%
tổng thời lượng làm việc có hướng dẫn trên lớp cho khâu seminar, bài tập
thực hành, đối thoại trực tiếp và thảo luận, thuyết trình chuyên đề
tình huống theo từng chương, từng phần, từng học phần. Một số học phần
áp dụng phương thức thăm quan hiện trường, kiến tập. Để tăng cường kỹ
năng đọc, nói, viết, ngoài hệ thống giáo trình, tài liệu tất đọc, tài
liệu tham khảo rộng, các học phần quan trọng, yêu cầu sinh viên viết
tiểu luận và làm đề án thiết kế môn học (các ngành Kỹ thuật - công
nghệ). Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên với các hội nghị
khoa học, các cuộc thi đã thúc đẩy tính tích cực trong phương pháp học
của sinh viên. Các quy chế dạy và học này bổ sung cho hình thức thi trắc
nghiệm khách quan trên máy, nâng cao tính chủ động trong học tập,
nghiên cứu, nâng cao năng lực tư duy, tổng hợp và hình thành kiến thức
và kỹ năng có tính hệ thống.
Đổi mới cách thực tập tốt nghiệp (cuối khóa) và thi tốt nghiệp
là giải pháp rèn luyện kỹ năng nghiên cứu phân tích và tập dượt thực
hành nghề nghiệp có hiệu quả đối với các ngành đào tạo. Trong điều
kiện các doanh nghiệp thực thi cơ chế thị trường, giữa trường và doanh
nghiệp chưa hình thành quan hệ liên kết, hợp tác sản xuất - kinh doanh -
nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong đào tạo. Trường đã đổi
mới cách thực tập cuối khóa như sau đây: - Chủ yếu sinh viên tự tìm
cơ sở thực tập. Trong nhiều trường hợp thì đó là cơ sở tham quan, kiến
tập, thậm chí là cơ sở cung cấp, sưu tầm tư liệu - số liệu để viết báo
cáo thực tập. - Giảng viên hướng dẫn thông qua đề cương báo cáo thực
tập, trên thực tế kèm theo kế hoạch, tiến độ sưu tầm tư liệu, viết báo
cáo thực tập ở cơ sở được chọn. - Dựa trên kế hoạch đó, giảng viên hướng dẫn gặp gỡ, kiểm tra, gợi ý cho sinh viên. - Chấm báo cáo khi đợt thực tập kết thúc, chuyển qua quá trình viết luận văn tốt nghiệp.
Từ khóa đầu đến nay trường chủ trương 100% sinh viên đạt yêu cầu
về các môn học qua thi kết thúc học phần đều phải viết luận văn tốt
nghiệp dựa trên cơ sở báo cáo thực tập đã thực hiện. Điều này không
giống với các trường đại học khác, khi chỉ cho phép sinh viên khá giỏi
viết luận văn, số sinh viên còn lại thì thi (tự luận) một số môn học chủ
chốt của ngành đào tạo.
Việc tập dượt viết báo cáo và luận văn có kết quả tích cực đối
với việc rèn luyện kỹ năng thực hành, ứng dụng cho sinh viên. Nói chung,
trường không chủ trương viết luận văn theo các chủ đề thuần túy lý
thuyết. Điều này tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao khả năng vận dụng
kiến thức đã học tập xử lý một vấn đề thực tế phát sinh ở doanh nghiệp.
Khi nói đến chất lượng đào tạo tòan diện, thì ngòai những giải
pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn nghề nghiệp,
trường có hệ thống Giáo viên chủ nhiệm chuyên trách chăm lo công tác
giáo dục đạo đức, tư cách, hướng dẫn và đánh giá kết quả rèn luyện của
từng sinh viên. Giáo viên chủ nhiệm cũng là cầu nối giữa trường và gia
đình sinh viên.
Vài năm vừa qua thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục đào tạo,
trường đã tổ chức tự kiểm định, đánh giá chất lượng, trong đó chủ yếu lá
chất lượng đào tạo về chuyên môn, nghề nghiệp. Các thành viên Ban giám
hiệu chủ trì các chuyên đề tự đánh giá chất lượng của trường. Thông qua
hội thảo ở các Bộ môn, Khoa, Phòng, Ban, tập thể nhà trường nhất trí cao
với kết quả tự đánh giá chất lượng thuộc tốp cao trong các trường đại
học do Ban giám hiệu đưa ra. Đồng thời các hội thảo cũng tán đồng trong
giai đoạn sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, trường cần củng cố về quy
mô đào tạo, tập trung mọi nguồn lực chuyển hẳn qua trọng tâm nâng cao
hơn nữa chất lượng đào tạo. Đó là con đường tiến lên của Trường Đại học
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong giai đoạn sau năm 2011./. |
đăng 04:28, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
TAY KHÔNG XÂY DỰNG CƠ ĐỒ Phó hiệu trưởng TS. Trần Công Bảy
Thời gian trôi đi nhanh quá, từ
ngày thành lập đã 15 năm rồi! Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh
doanh Hà Nội được thành lập gần như từ hai bàn tay trắng: Trường lớp
không, máy móc thiết bị không, đội ngũ cán bộ chỉ "lèo tèo" hơn chục
người, khó khăn trăm bề.
Chúng ta từng bước đi lên, việc làm
đầu tiên là thuê cơ sở để tuyển sinh và giảng dạy. Cán bộ giảng dạy và
cán bộ quản lý được tuyển từ những người quen biết của các thành viên
sáng lập Trường.
Nhà trường bỏ tiền để hoàn thiện ngôi
nhà 5 tầng tại số 1B Cảm Hội thuê của Công ty ô tô vận tải ô tô số 3 mới
xây xong phần thô thành các phòng học. Xây một nhà 2 tầng diện tích sàn
khoảng 50m2, tầng dưới làm nhà ăn cho cán bộ, giảng viên, tầng trên bố
trí nơi làm việc của Hiệu trưởng và hội họp.
Quy mô đào tạo ngày càng mở rộng,
trường thuê thêm gara ô tô của Công ty Du lịch và xúc tiến đầu tư ở ngõ
651B dốc Minh Khai cải tạo thành các phòng học. Gara là ngôi nhà 2 tầng
dài gần 100m, không có vách ngăn. Để cải tạo thành các lớp học, phải
ngăn ra thành từng lớp theo yêu cầu của giảng dạy bằng vật liệu nhẹ và
cải tạo mái để giảm độ nóng tối đa. Xác định đây là cơ sở sẽ thuê lâu
dài nên Trường đã đầu tư 5 tỷ đồng cho việc cải tạo, khi ấy số tiền này
đối với Trường rất lớn, phải dành dụm trong nhiều năm mới có.
Muốn tồn tại và phát triển, Trường phải có
cơ sở của chính mình khẳng định vị trí của Trường và tạo lòng tin trong
xã hội. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Trường đã lo tìm đất xây trường
và được thành phố Hà Nội giới thiệu nhiều nơi nhưng không phù hợp với
yêu cầu nêu ra là Trường chỉ cách Hồ Gươm - Trung tâm Thủ đô khoảng 8 km
để tiện cho sinh viên đi lại. Nếu xa hơn sẽ không có sức hấp dẫn. Vĩnh
Tuy đáp ứng được yêu cầu ấy và đã được Trường lựa chọn.
Sau bao nhiều năm tháng lo thủ tục và triển
khai xây dựng, tháng 7 năm 2005 ngôi trường gồm 2 đơn nguyên dài gần
90m cao trên 30m, 7 tầng đã hoàn thành. Ngôi trường uy nghiêm đứng sừng
sững ở phía Nam của Thủ đô, cạnh cầu Vĩnh Tuy, cây cầu dài và rộng nhất
Thủ đô, được gắn biển chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngôi trường được xây dựng bằng tiền
tích luỹ nhiều năm của Trường và tiền vốn góp của cổ đông. Ngôi trường
là niềm tự hào, là ước mơ của cán bộ, thầy cô giáo, cổ đông và các thế
hệ sinh viên.
Trường gồm khu giảng đường đáp ứng nhu
cầu học cho gần 10 ngàn sinh viên học 2 ca/ngày, đủ chỗ làm việc cho
gần 500 cán bộ, giáo viên. Một hội trường hơn 800 chỗ ngồi, có máy lạnh,
được trang bị thiết bị khá hiện đại đáp ứng nhu cầu họp, khai bế giảng,
biểu diễn văn nghệ, đón sinh viên nhập học một cách chủ động và thoải
mái.
Số máy tính của Trường hiện có 50 phòng gần
2100 cái, máy in 118 chiếc, máy chiếu đa năng, máy chiếu hắt: 110
chiếc, loa - ampli: 65 chiếc, đài catset: 155 chiếc và camera: 34 chiếc.
Số lượng máy tính của Trường vào loại lớn nhất trong các trường đại
học. Hai môn Tin học và Tiếng Anh được trang bị máy tính nhiều nhất, đảm
bảo khi lên lớp mỗi sinh viên có một máy tính sử dụng. Do đó trình độ
tin học và tiếng Anh của sinh viên ra trường khá hơn các trường khác.
Trường có một Thư viện đặt ở tầng 6 và 7
nhà A, với diện tích gần 500m2, có 5.300 đầu sách với 25.882 cuốn. Sách
điện tử có 6.983 đầu sách, trong đó sách tiếng Việt 5.468, tiếng nước
ngoài 1.515 đầu sách. Thư viện có 100 máy tính được nối mạng đặt ở 2
phòng có máy lạnh, sinh viên tra cứu miễn phí. Thời gian thi học kỳ, Thư
viện mở cửa sáng, trưa, chiều, tối phục vụ sinh viên tham khảo tài
liệu. Thư viện của Trường có hầu hết các loại báo, tạp chí trong nước và
một số tạp chí nước ngoài, đáp ứng nhu cầu đọc và xem của cán bộ, giáo
viên và sinh viên.
Phía trước nhà A và B trồng 2 hàng Cau Vua
cao vút, cành lá đu đưa trước gió như sinh viên thì thầm tâm sự với nhau
trong thời gian nghỉ giải lao giữa giờ. Chân tường xung quanh 2 tòa nhà
được ốp gạch màu đỏ sẫm làm cho ngôi trường như chắc chắn và uy nghiêm
hơn, đứng trên một bệ vững chắc.
Trường có 2 nhà ăn, một của cán bộ, giáo
viên và một dành cho sinh viên, trang bị máy lạnh, phục vụ cho 350 lượt
người. Có nhà ăn trong trường, cán bộ, giáo viên và sinh viên có nơi ăn
mát mẻ và quan trọng hơn là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những ai có dịp ăn tại nhà ăn của Trường
đều cho rằng nhà ăn sạch sẽ, mát mẻ, món ăn chế biến ngon, cơm dẻo, giá
rẻ hơn bên ngoài nhiều. Đây là sự động viên, khích lệ chị em nhà ăn.
Nhìn từ xa, ngôi trường cao, đồ sộ, vừa
hiện đại, vừa cổ kính, có sức lôi cuốn, mời gọi người ghé thăm Trường.
Đây là địa chỉ tin cậy, mỗi mùa thi tuyển sinh đại học đã có gần 20 ngàn
thí sinh đăng ký dự thi.
Sau gần 5 năm lo thủ tục, Vĩnh Tuy II đang
khẩn trương thi công, phấn đấu đưa công trình vào sử dụng tháng 7 năm
2012. Vĩnh Tuy II gồm 2 đơn nguyên cao 8 - 9 tầng có diện tích xây dựng
20.000m2 đủ chỗ học tập cho 10.000 sinh viên, với trang bị hiện đại, đáp
ứng cho nhu cầu dạy và học ngày càng cao.
Khi hoàn thành xây dựng, trường đại học
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội gồm 4 ngôi nhà đồ sộ, hiện đại đứng quây
quần bên nhau, đảm bảo đủ chỗ học cho 20.000 sinh viên và nơi làm việc
cho gần 500 cán bộ quản lý. Quy mô của Trường vào loại lớn nhất trong
các trường đại học ngoài công lập của cả nước.
Nơi đây sẽ trở thành "địa chỉ đỏ" trong hệ
thống các trường đại học: Ngành nghề đào tạo phong phú, cấp học đa dạng,
phòng học thoáng mát, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên có
kinh nghiệm, trình độ cao, chương trình đào tạo ngày càng hoàn thiện.
Những điều nói trên tô điểm thêm cho Trường
đẹp hơn, một không khí học tập sôi nổi, môi trường sư phạm hấp dẫn.
Trường sẽ là một bông hoa ngát hương trong vườn hoa muôn sắc màu giữa
Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi.
Ở tuổi 15, độ tuổi tràn đầy sinh lực, đang
phát triển mạnh mẽ, mà đã có trong tay giá trị tài sản 342 tỉ đồng, một
con số đáng tự hào lắm chứ. Đó là công sức đóng góp của nhiều thế hệ
thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường, của hàng chục ngàn sinh
viên, của gần một ngàn cổ đông.
Thành quả đạt được hôm nay rất đáng tự hào,
tạo niềm tin vững chắc cho nhà trường phát triển rực rỡ hơn nữa, toàn
diện hơn nữa trong tương lai không xa. Chúng ta cùng nhau phấn đấu hơn
nữa để biến niềm tin đó thành sự thật trong cuộc sống. Đó là tất cả tâm
tư, tình cảm của đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên toàn
trường của ngày hôm nay và cả mai sau./. |
đăng 04:20, 4 thg 11, 2012 bởi Son Le
CÔNG TÁC TUYỂN SINH
Phó hiệu trưởng GS. TS. Vũ Văn Hóa
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà
Nội đã 15 tuổi. Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu,
đứng đầu là GS. Trần Phương, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,
Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cùng với sự đóng góp công sức và
lao động của các cổ đông, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh
viên, trường đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng, được Đảng và
Nhà nước ghi nhận; tên tuổi của trường ngày càng được xã hội biết đến.
Kết quả này được minh chứng rõ nhất bằng việc không ngừng mở rộng quy mô
đào tạo.
Ngay từ khi mới thành lập (1996), trường
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã chủ trương tiến hành công tác
tuyển sinh. Là một trường đại học dân lập, văn phòng, lớp học còn thuê
mượn, mức học phí lại khá cao so với nhiều trường lúc đó, chủ trương của
Ban Giám hiệu không xét tuyển, mà tổ chức tuyển sinh, là quyết định táo
bạo, sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược. Táo bạo, vì việc tổ chức tuyển
sinh là khá tốn kém, phải thuê nhiều địa điểm thi, có năm lên tới 12-14
điểm với trên 500 phòng thi; phải huy động trên 1.000 giảng viên, cán
bộ, nhân viên của trường tham gia và nhờ thêm nhiều cán bộ, giảng viên
của các trường đại học khác. Công tác tuyển sinh của trường trong suốt
15 năm qua chưa để xẩy ra những sai sót, được Bộ Giáo dục và Đào tạo
đánh giá cao. Khóa đầu tiên, trường tuyển được 850 sinh viên đại học hệ
chính quy. Phần lớn họ là thí sinh có hộ khẩu Hà Nội. Từ đó, cho đến năm
học 2003-2004, trường vẫn cử cán bộ đến các tỉnh tuyên truyền, quảng bá
và thu hút sinh viên cho trường. Số sinh viên khóa sau tăng hơn khóa
trước, nhưng chưa ổn định: K1: 850, K2: 896, K3: 1071, K4: 1320 v K5:
1246.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt hoạt động của trường
là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Để đạt được điều này, trường
thiết kế chương trình đào tạo tiên tiến, độc đáo, phù hợp với yêu cầu
của đất nước; thường xuyên tăng cường đội ngũ giảng viên và cán bộ quản
lý giáo dục có trình độ và kinh nghiệm. Đồng thời, trường chủ trương đa
dạng hóa ngành nghề và hình thức đào tạo cũng như tăng cường cơ sở vật
chất - kỹ thuật để đảm bảo chất lượng đào tạo. Chương trình đào tạo của
trường được thiết kế bám sát thực tiễn Việt Nam có tham khảo các chương
trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt thời lượng
dành cho hai môn học tiếng Anh và Tin học được bố trí cao hơn nhiều
trường không chuyên ngữ và chuyên tin khác. Chương trình của trường có
tác dụng giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp nhanh chóng tìm được việc
làm, vì thế đã thu hút, hấp dẫn các bạn trẻ thi tuyển vào trường ngày
càng nhiều.
Năm học 1996-1997 trường mới có 16 giảng
viên cơ hữu. Đến nay tổng số giảng viên quy đổi của tòan trường khoảng
700 người, trong đó giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 60,95%.
Giảng viên cơ hữu chiếm 80% (565 người), đảm nhận trên 80% khối lượng
giảng dạy và giảng viên thỉnh giảng chiếm 20% (135 người), đảm nhận gần
20% khối lượng giảng dạy. Nhiều giảng viên đang và đã từng lá các nhà sư
phạm, các nhà khoa học và quản lý có tiếng của các trường đại học, các
viện nghiên cứu, các bộ, ngành và các doanh nghiệp, có nhiều kinh nghiệm
và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Không ít người
trong số này đã giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý cao trong các cơ
quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, trường đại học và doanh nghiệp. Đó là
điều kiện tốt đối với giáo dục và đào tạo sinh viên không chỉ về chuyên
môn, mà cả về phẩm chất, đạo đức và kinh nghiệm sống.
Quy mô sinh viên của trường đặc biệt
bắt đầu tăng nhanh khi trường chủ trương mở thêm các ngành nghề, các hệ
và hình thức đào tạo. Từ 3 ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy
trong 7 năm đầu, đến nay đã mở thêm 10 ngành, đưa tổng số ngành đào tạo
đại học hệ chính quy lên 13 ngành gồm: Quản lý Kinh doanh, Kế toán, Tài
chính - Ngân hàng (năm học 2010 - 2011 đã tách thành 2 ngành riêng biệt
là ngành Tài chính và ngành Ngân hàng), Thương mại, Du lịch, Cơ - Điện
tử, Điện - Điện tử, Kiến trúc, Xây dựng, Công nghệ Thông tin, tiếng Anh
và tiếng Trung, với số sinh viên đại học chính quy năm học 2010-2011 là
1.394. Một điều không kém phần hấp dẫn đối với người học là khi nhập
trường cho đến hết năm học thứ nhất, sinh viên được quyền lựa chọn học
ngành nghề mình yêu thích. Tính dân chủ này là một trong những ưu việt
của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Từ năm 2003 trường mở
hai hệ đào tạo cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, hiện đang có 2.742
sinh viên theo học. Đặc biệt từ khi Bộ cho phép trường đào tạo liên
thông từ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp lên đại học, thì hai hệ đào
tạo này càng hấp dẫn các bạn trẻ. Từ 2007 đến 2011 đã có 9.016 sinh
viên theo học hình thức liên thông.
Hệ đào tạo đại học tại chức (vừa học
vừa làm) của trường ra đời từ năm 2007, tính đến 31.3.2011 đã thu hút
3.863 sinh viên ở nhiều nơi, như Hà Nội, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Cạn, Phú
Thọ, Thanh Hóa, Thái Bình,…
Trường đã sớm triển khai (từ năm 2000)
liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngòai. Đã gửi đi du học
886 sinh viên đại học và 81 học viên cao học ở các nước và vùng lãnh
thổ, như Hà Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Australia, Singapore,... đào tạo
đại học từ xa (E-learning) của trường tuy mới ra đời, nhưng đã góp cho
trường: 475 sinh viên.
Đào tạo cao học của trường đã tuyển sinh
được 6 khóa ngành Quản trị kinh doanh với 386 học viên nhập học. Năm nay
(2011) Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường đào tạo hai ngành mới:
Kinh tế, tài chính - Ngân hàng và Kế toán. Điều này thể hiện sự tin
tưởng và triển vọng lớn về đào tạo sau đại học của trường Đại học Kinh
doanh và Công nghệ Hà Nội.
Như vậy, từ khi thành lập tới nay,
trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã và đang đào tạo 52.794
sinh viên và học viên thuộc 4 cấp đào tạo. Trong đó, đại học có 44.439
sinh viên, chiếm 86,6%; cao đẳng có 2.782 sinh viên, chiếm 5,4%; trung
cấp chuyên nghiệp có 3.672 sinh viên, chiếm 7,2%; cao học có 386 học
viên, chiếm 0,8%. Đó là những kết quả và nguyên nhân thành công của
công tác tuyển sinh mở rộng quy mô đào tạo của trường. Những số liệu
trên là món quà quý giá nhất chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập trường
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội./. |
|